Dù mẹ bôi ớt hay bôi dầu cù là lên đầu ti, bé Khánh (26 tháng tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn kiên quyết không bỏ bú. Nhưng rồi mẹ bé đã cai sữa cho con thành công chỉ nhờ một... thỏi son.
Khánh khỏe mạnh, ăn cháo và uống sữa ngoài rất ngon lành nhưng vẫn không muốn từ bỏ vú mẹ. Hễ chị Thanh, mẹ bé, đi làm về là con trai đã chạy ra ôm chặt lấy, vén áo lên một cách thành thạo và sục vào ti, dù sữa mẹ còn rất ít. Chị Thanh muốn cai sữa nhưng không thể thuyết phục được con, lại ngại thói khóc dai của bé. Chị bôi ớt, bôi dầu lên đầu ti nhưng chẳng ăn thua
Một hôm, Thanh thử áp dụng phương pháp học được trên một diễn đàn: Lấy thỏi son đỏ thoa lên vú. Khi Khánh đòi ti, chị giả vờ nhăn nhó, rên rỉ và chỉ vào vết son, bảo con: "Mẹ đau quá, mẹ bị chảy máu đấy. Con thương mẹ thì đừng bú nữa nhé". Cậu bé lo lắng, rồi vì thương mẹ nên đồng ý thôi. Sau mấy lần muốn bú mà mẹ vẫn "chảy máu", Khánh dần dần hết nghiện vú mẹ.
Không chỉ chị Thanh mà nhiều bà mẹ khác cũng gặp khó khăn khi cai sữa, bởi trẻ không chịu rời vú mẹ. Tuy nhiên, cũng từ thực tế của mình mà họ rút ra nhiều bí quyết, và đây là những giải pháp được nhiều người áp dụng và có hiệu quả nhất:
Gửi con cho ông bà ít lâu để cách ly mẹ. Mẹ có thể đến thăm nhưng không ngủ lại. Nhiều gia đình thực hiện cách ly ngay tại nhà: Bố hoặc bà ngủ với bé, mẹ ngủ riêng. Cách này khá hiệu quả vì ban đêm, khi đi ngủ chính là lúc bé “lục tìm” vú mẹ nhiều nhất.
Bôi thuốc đắng, mướp đắng hoặc ớt vào đầu ti mẹ, trẻ ngậm vào thấy đắng, cay sẽ nhè ra. Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, việc bôi một chút thuốc kháng sinh thông thường không ảnh hưởng xấu đến trẻ bởi liều rất thấp. Tuy nhiên, cần chú ý tránh các thuốc không dùng cho trẻ em. Bác sĩ Nhi cũng khuyến cáo không nên bôi các loại dầu xoa vì việc nuốt thuốc này vào có thể gây hại. Với ớt, chỉ nên dùng loại rất ít cay vì chất cay này có thể gây bỏng miệng trẻ.
Hoá trang cho ti mẹ: Có người lấy băng dính dán lên đầu ti, bảo là mẹ bị đau để bé không bú. Có bà mẹ dán thêm các sợi tóc rối hoặc lấy bút dạ đen vẽ loằng ngoằng lên đó, khiến trẻ sợ, không dám bú.
Một phương pháp có thể hiệu quả với bé này nhưng lại vô hiệu với bé kia. Và phải trải qua thực tế, người mẹ mới biết được cách nào phù hợp với con mình. Chẳng hạn, với những bé yếu bóng vía, nhạy cảm và tình cảm, việc “hoá trang” ti mẹ một cách quá lố sẽ có thể khiến trẻ bị sốc.
Những lưu ý khi cai sữa cho con
Với trẻ em, bú mẹ không đơn thuần là ăn uống mà còn là một trò chơi, một nhu cầu tình cảm. Vì vậy, theo bác sĩ Ý Nhi, không nên đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú vì điều đó có thể khiến trẻ bị sốc và sinh biếng ăn. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1. Thay các bữa bú bằng những thức ăn khoái khẩu của trẻ. Và khi trẻ chịu ăn những món này, không nên tiếc lời khen để khuyến khích.
Khi ngừng hẳn việc cho bú, người mẹ sẽ thấy xót ruột vì bé có thể quấy khóc, hờn dỗi, bỏ ăn. Tuy nhiên, lúc này cần dứt khoát vì chỉ cần bạn mềm lòng cho bú lại, những lần cai sau này sẽ rất khó khăn. Từ lúc này, cũng không nên cho trẻ sờ ti bởi việc này sẽ gợi cơn thèm bú và tạo thói quen xấu.
Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm. Cũng nên tránh thời điểm trẻ bị ốm, mệt mỏi, sốt và đặc biệt là khi bị tiêu chảy (lúc này, hệ tiêu hoá còn yếu nên sữa mẹ là thức ăn an toàn nhất).
Ngành y tế khuyến cáo các bà mẹ cho con bú đến 24 tháng tuổi. Tuỳ vào hoàn cảnh, một số người có thể cai sữa sớm hơn. Tuy nhiên, việc cai trước 12 tháng sẽ gây thiệt thòi nhiều cho bé, bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo mà còn chứa các kháng thể giúp bé phòng chống bệnh tật - những yếu tố mà thực phẩm khác không có được.