Lắng nghe cơ thể

Lắng nghe cơ thể

TP - Hãy hình dung, bạn cùng gia đình chảy hội Chùa Hương. Mọi người dạo bộ leo lên đền Hạ, rồi đền Thượng. Chặng đầu bạn còn dễ dàng bắt kịp đám trẻ con, trò chuyện vui vẻ với chồng và mấy cô em gái.

Thế nhưng ngay chặng sau bạn đã thấy cẳng chân nặng nề - trong khi lũ trẻ vẫn vô tư tung tẩy. Lúc quay về bạn những muốn lê bằng... bốn chân, cơ thể rã rời. Liệu có phải là lý do đáng xấu hổ? Cảm giác mệt mỏi là tín hiệu trung thực của cơ thể cho thấy, cơ bắp đã không đủ sức duy trì nỗ lực lớn hơn.

Bằng cách đó cơ thể tự bảo vệ trước những hành động mạo hiểm có thể làm hại bản thân (thí dụ dẫn đến chấn thương). Ở phần tiếp theo bạn cón tìm thấy sáu thông báo cơ thể sẽ gửi tiếp cùng với thời gian. Hãy tự học nhận biết chúng.

1- Cơ thể biết... bạn cần uống nước

Ở trẻ nhỏ và người ít tuổi những tín hiệu cơ thể khát nước được thông báo rõ ràng và rất khó bỏ qua (chắc chắn đã hơn một lần bạn chứng kiến con nhỏ thúc giục: “Cho con uống nước! Không phải 5 phút nữa, ngay bây giờ!”). Tuy nhiên cùng với tuổi tác, năng suất vận hành của thận – cơ quan cung cấp nước cho các mô, giảm dần. Ngoài ra khả năng mẫn cảm của các mối liên kết thần kinh đảm trách cảm nhận khát nước ngày càng thui chột. Tình trạng có thể làm cho bạn uống quá it nước.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Học cách nhận biết những tín hiệu cơ thể thiếu nước khó nhận biết hơn. Một trong số đó là cảm giác...đói. Nếu thường xuyên cảm thấy đói bụng, mặc dù mới ăn không lâu, điều đó có thể là dấu hiệu cơ thể muốn uống nước.

Một khi cơ thể bị mất nước nhẹ, cũng xuất hiện những tín hiệu dị thường – đau đầu, da khô.

Để ngăn ngừa những tình huống như vậy, hãy tạo thói quen uống nước vào những thời điểm nhất định trong ngày. Môt ly to nước đun sôi để nguội sáng sớm và buổi tối, uống nước sau mỗi bữa ăn là tiêu chuẩn tối thiểu. Riêng mùa hè nóng nực nên chuẩn bị chai nước bên mình và cứ sau nửa giờ uống 2-3 ngụm.

2- Cơ thể biết... cần ăn ít hơn

Bạn ngạc nhiên, khi vượt qua tuổi đầu ba cơ thể bắt đầu phát phì, cho dù không hề ăn nhiều hơn? Đó chính là tín hiệu cảnh báo, nên giảm khẩu phần ăn. Lý do: tốc độ trao đổi chất của cơ thể giảm dần cùng với tuổi tác. Một mặt đó là lỗi của nếp sống lười vận động thể chất. Trọng lượng cơ bắp giảm (bộ phận tiêu hao năng lượng lớn nhất) trong khi mô mỡ gia tăng. Nguyên nhân thứ hai nằm ngoài tầm kiểm soát: mức độ hoạt động của tế bào suy giảm cùng với thời gian. Chính vì lý do này bạn vẫn có thể tăng cân – cho dù có tập luyện thể thao tích cực, nhưng không cắt giảm suất ăn.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Không coi thường, thậm chí những thay đổi cân nặng không lớn, thí dụ 2 kg trong vòng một năm. Hãy tưởng tượng, với tốc độ nhỏ như vậy, song bạn sẽ tăng 20 kg sau 10 năm! Nếu tỉnh táo, bạn sẽ cắt giảm ngay hôm nay và cố gắng thay các món tráng miệng giầu năng lượng như bánh ngọt bằng hoa quả.

3- Cơ thể biết... khi nào cần đi ngủ

Có thời bạn có thể hồn nhiên “buôn dưa lê” với ai đó đến 1-2 giờ sáng và sớm hôm sau vẫn trình diện đúng 7 giờ tại lớp học. Tuy nhiên cùng với thời gian tiến gần đến tuổi bốn mươi, bạn phát hiện ra thực tế: thời điểm “ríu mắt” ngày càng sớm hơn. Không hiếm trường hợp ngủ gật trong lúc đọc báo. Nếu lỡ có việc làm khuya, sớm hôm sau sẽ ngủ gục trên bàn làm việc. Tất cả vì lý do: giấc ngủ cũng thay đổi cùng tuổi tác. Giấc ngủ sâu thư giãn ngày càng ngắn trong khi giấc ngủ nông có xu hướng kéo dài.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Chú ý lắng nghe tiếng nói của linh cảm và không cố thức khuya. Nếu thèm ngả lưng vào lúc 21-22 giờ tối, hãy chiều ý muốn. Hãy tạm ngắt điện thoại, để không ai quấy rầy. Cố gắng mỗi ngày ngủ đủ 7 tiếng.

4- Cơ thể biết... phong độ của bạn

Tuổi mẫu giáo bạn có thể xoạc chân dễ dàng, không cần khởi động. Bây giờ mỗi ngày hàng chục giờ ngồi bàn giấy, ngồi xe buýt hoặc xe máy, bạn rất khó duỗi thẳng chân. Đó là hiện tượng tự nhiên – càng cao tuổi, các khớp xương, dây chằng, cơ bắp...ngày càng kém đàn hồi. Điều tồi tệ hơn: tình trạng tuần hoàn máu cũng suy giảm. Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, đến tuổi trung niên những người lười vận động thể chất sẽ có hệ thống mao mạch kém linh họat hơn so với đồng loại chăm vận động. Và tình trạng này là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ dễ mắc các bệnh hệ tim-mạch.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Khi nhận thấy khó cúi gập người hoặc khó duỗi thẳng chân sau thời gian dài không vận động, hãy ghi tên theo học lớp joga, thể dục dưỡng sinh hoặc tự tập luyện thể dục. Tập luyện thể thao không chỉ phát huy tác dụng cỉa thiện phong độ cơ bắp, mà cả hệ tim - mạch.

5- Cơ thể biết... khoan dung

Các chuyên gia tâm lý khẳng định, nhìn chung người cao tuổi rộng lượng hơn đồng loại trẻ tuổi. Gần đây các nhà khoa học Hongkong đưa ra cách lý giải giả thiết trên: cùng với tuổi tác chúng ta bắt đầu tự ý thức được rằng, quỹ thời gian của mình ngày càng rút ngắn, vậy nên hãy cố gắng sắp xếp lại cuộc sống và sống hòa thuận với mọi người. Lối sống khoan dung mang lại tác dụng tích cực. Những nghiên cứu khác chỉ ra rằng, những người sau nhồi máu cơ tim đã qua khóa huấn luyện tự xoay sở với stress hiếm khi bị những rắc rối tiếp theo với tim so với đồng loại đối chứng.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Không đợi, đến lúc già mới rộng lượng. Càng bình thản, vô tư và hồn nhiên, bạn sẽ có sức kỏe càng tốt và cơ may tuổi thọ cao hơn.

6- Cơ thể biết, khi nào từ chối... rượu

Theo các nhà khoa học, lượng rượu nhỏ (nhất là vang đỏ) phát huy tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim, tiểu đường dạng 2, tai biến não và mất trí nhớ. Tuy nhiên phải nhớ, càng lớn tuổi, khả năng uống rượu vô hại càng suy giảm. Lý do: cùng với tuổi tác, năng lực chuyển hóa rượu của cơ thể càng suy giảm.

+ Hãy lắng nghe cơ thể: Bạn cảm thấy cơ thể bồng bềnh nhẹ sau khi uống 1-2 ly? Tốt nhất nên từ chối ly thứ ba. Khuất phục sụ cám dỗ của ma men sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn cân bằng trao đổi chất của cơ thể. Về lâu dài lạm dụng rượu gây rất nhiều tai hại, trong đó có xơ gan, suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể...Vậy nên hãy nhớ nguyên tắc: không uống nhiều hơn 7 ly/tuần (mỗi ly tương đương một vại bia).

Theo Nguyễn Hanh
Tri Thức Trẻ

Nguồn: Lắng nghe cơ thể

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper