Điều gì gây ra chứng bệnh dậy thì sớm dị tính ở trẻ em gái?

Có một cô gái 20 tuổi, chưa kết hôn. Khi mới sinh ra, cô có cơ quan sinh dục ngoài của nữ giới. Năm 4 tuổi, âm vật phình to; từ năm 6 tuổi thì lông ở cơ quan sinh dục nhiều lên. Trong thời gian này, cô bé có thân hình cao nhất lớp; nhưng sau 12 tuổi thì tốc độ lớn của cô chậm dần lại và cuối cùng trở thành một đứa trẻ lùn (chỉ cao 142 cm), hình dáng như nam giới, yết hầu to, lông ở cơ quan sinh dục được phân bố giống như ở nam giới, tử cung nhỏ, không có kinh nguyệt. Tiếng nói của cô bé cũng trở nên đục. Kết quả hóa nghiệm cho thấy, cô bé này bị bệnh "tăng sinh vỏ thượng thận bẩm sinh". Sau hai tháng uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bầu vú của cô bé đã phát triển và đã thấy kinh.

Đây là một bệnh rất ít gặp. Nguyên nhân phổ biến nhất là chứng tăng sinh vỏ thượng thận bẩm sinh, dẫn đến việc testosteron được sản sinh ra quá nhiều. Có những đứa trẻ ngay từ khi chào đời đã có cơ quan sinh dục ngoài không rõ giới tính; cũng có trường hợp những đặc trưng nam giới xuất hiện dần sau khi ra đời.

Gặp những trường hợp này, cha mẹ phải đưa con đến khoa nội tiết của các bệnh viện để kiểm tra và xét nghiệm. Việc điều trị phải được tiến hành càng sớm càng tốt; nếu không, trạng thái tâm lý, thể hình, chiều cao cơ thể của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu điều trị sớm và đúng phương pháp, các đặc trưng nam tính sẽ dần dần mất đi. Đến thời kỳ thanh niên, các đặc trưng nữ tính bình thường sẽ xuất hiện, chiều cao cơ thể cũng không bị ảnh hưởng và bệnh nhân vẫn có khả năng sinh sản như bình thường. Muốn đạt được hiệu quả lý tưởng như vậy, người bệnh nhất thiết phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, uống thuốc và thực hiện việc kiểm tra đúng quy định. Nếu cơ quan sinh dục ngoài phát triển bất bình thường thì phải chọn thời gian thích hợp để phẫu thuật.

Ngoài ra, việc xuất hiện khối u tiết ra Testosterin ở tuyến thượng thận hoặc buồng trứng cũng gây ra dậy thì sớm dị tính. Kỹ thuật siêu âm tuyến thượng thận và khoang chậu có thể giúp phát hiện các khối u này. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ khối u đó.

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper