Chuyện của những người ung thư máu

TP - Tôi đến những căn phòng chật chội của Viện Huyết học và truyền máu trung ương, giật mình vì thấy nhiều người trẻ trọc đầu đang nằm ngồi la liệt trên giường, ngoài hành lang. trung ương, giật mình vì thấy nhiều người trẻ trọc đầu đang nằm ngồi la liệt trên giường, ngoài hành lang. Quá tải nhiều bệnh nhân ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư phải nằm ra cả vườn hoa bệnh viện.

Trẻ em, bà già và cả những cô gái đang độ tuổi hai mươi, đầu cũng nhẵn thín, không còn một sợi tóc. Những người đầu trọc ấy đang bị căn bệnh ung thư máu “bám riết” lấy, biết bao bi kịch đã bắt đầu từ đây...

Nhưng những bệnh nhân trẻ ấy đã cho tôi hiểu rằng bi kịch đó không chỉ toàn nỗi buồn mà tuyệt vọng...

Chuyện tình đẹp hơn... phim tình cảm Hàn Quốc

Gương mặt đẹp, làn da trắng, và nụ cười tươi, mới gặp Vũ Anh Tuấn, tôi không nghĩ mình đang đối điện với một bệnh nhân ung thư máu có thâm niên điều trị lâu nhất ở bệnh viện này. Ba năm, tám lần chạy hóa chất, tóc rụng rồi lại mọc, mọc rồi lại rụng, nhưng Tuấn chưa bao giờ tuyệt vọng.

Chàng trai này kể về căn bệnh hiểm nghèo của mình với một nụ cười tươi:

Vũ Anh Tuấn vẫn rất yêu đời, lạc quan

“Em đang học năm thứ tư, Đại học Luật Hà Nội thì một ngày bỗng cảm thấy mệt mỏi, da xanh, quai hàm mọc lên một cái hạch rất to.

Em đến Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sỹ bảo bị viêm amidan, cho thuốc uống. Uống vào không đỡ, lại thêm hiện tượng sốt về chiều, đêm ngủ mồ hôi ra ướt sũng cả chăn.

Em vào viện K xét nghiệm, hạch không có gì nhưng máu có tới 56% tế bào lạ. Vào Viện Huyết học và truyền máu trung ương khám, kết quả: ung thư máu”.

Tuấn choáng váng khi nghe “bản án tử hình”. Nhưng rồi, Tuấn trấn tĩnh lại ngay. Lúc ấy, Tuấn nghĩ đến VĐV Lance Amstrong bị ung thư tinh hoàn nhưng đã năm lần vô địch cuộc đua xe vòng quanh nước Pháp, tự nhủ: “ Mình sẽ là một Lance Amstrong, sẽ chạy đua với số phận. Phải sống”.

Tuấn gần như “nhập hộ khẩu” vào bệnh viện này. Từ cô y tá đến bác bảo vệ đều trở nên thân thuộc với bố con Tuấn. Ba năm, hết vào viện lại ra viện, Tuấn dùng nhiều hóa chất nên nỗi bị xơ gan. Giờ đây, căn bệnh xơ gan ấy cũng hành hạ Tuấn chẳng kém ung thư máu là bao nhiêu.

Ba năm, những bệnh nhân điều trị cùng đợt với Tuấn đã về thế giới bên kia cả rồi. Kể cả nhiều bệnh nhân nhập viện sau Tuấn, cũng đã lần lượt từ giã cõi đời.

Ông Vũ Hồng Yên – bố Tuấn, kể: “Chính tay tôi đã khiêng nhiều bệnh nhân ung thư máu chết ở bệnh viện. Có cháu ung thư vào giai đoạn cuối, đau quá, răng cứ chực cắn vào lưỡi, tôi phải lấy chiếc đũa chèn vào. Vừa rồi, nhận được điện thoại của bố cháu ở Bắc Ninh bảo: “Mời bác ít hôm nữa đi giỗ đầu cháu nhà tôi”. Nhanh thật”.

Ba năm, nhưng sức khỏe Tuấn vẫn ổn định đến mức nhiều bác sỹ cũng phải ngạc nhiên. Vì lòng yêu sống, vì nghị lực sống phi thường của chàng trai này chăng? Ba năm “ngồi viện”, có những lúc phải thở oxy vẫn phải ngồi, để nhường chỗ cho các bệnh nhân còn nặng hơn mình, mà không lúc nào Tuấn không cười tươi, chẳng hề than vãn, chán nản. Mà hình như Tuấn có được sức khỏe như vậy cũng nhờ “doping tình yêu”.

Chàng trai đẹp như diễn viên Hàn Quốc này có một chuyện tình như theo kiểu phim Hàn Quốc chăng? Motip: Chàng và nàng yêu nhau say đắm, dù trải qua nhiều sóng gió, thế rồi chàng phát hiện mình bị ung thư máu, nàng vẫn chung tình.

Tuấn bảo: “Tình yêu của em không giống trong phim Hàn Quốc vì người yêu em biết em bị bệnh ung thư máu trước khi em ngỏ lời với cô ấy”.

Tuấn kể: “Phương - tên bạn gái em - học cùng lớp Đại học Luật với em. Ban đầu hai người rất ghét nhau. Nhưng khi nói chuyện thì thấy hợp và bắt đầu thấy nhớ nhung khi một ngày không gặp. Lúc em vào nằm viện, Phương hay vào thăm, ngồi trò chuyện với em. Những giây phút đó, em quên cả mình bị ung thư máu.

Em cứ tự hỏi: Mình có nên ngỏ lời với cô ấy không? Thế rồi em quyết định ngỏ lời vì em tin mình sẽ khỏi bệnh và em tin vào tình cảm của Phương”.

Trong bệnh viện, giữa những chiếc giường sắt treo đầy hóa chất, giữa nhiều bệnh nhân đầu trọc đang cận kề cái chết, Tuấn đã cầm tay Phương, bày tỏ tình yêu. Dường như Phương đã chờ điều này từ lâu lắm.

Hôm tôi đến nhà Tuấn, Phương và các bạn học cấp II với Tuấn đang ngồi chơi ở gác hai. Căn nhà ba tầng trong một con ngõ nhỏ ở phố Hồng Hà, khá rộng rãi. Nhưng ông Yên bảo: “Vợ chồng tôi đã quyết định bán nhà để có tiền điều trị cho con. Cháu Tuấn tuy có bảo hiểm nhưng tiền thuốc men cũng tốn lắm. Riêng về bệnh xơ gan, có lọ thuốc đã 2 triệu đồng”.

Ba năm nay, người đàn ông này đã tận tụy, kề vai sát cánh với con trong cuộc chiến với tử thần. Vợ bị bệnh cột sống, thoát vị đĩa đệm, phải ở nhà, một mình ông Yên vừa đi làm nghề xây dựng, vừa vào bệnh viện chăm sóc con. Từ chỗ kinh tế khá vững, giờ đây căn bệnh hiểm nghèo của Tuấn khiến ông bán nhà để tiếp sức cho khát vọng sống của con trai...

Nước mắt của những người “ngồi viện”

Chiếc giường sắt nhỏ chỉ độ mấy gang tay, một người nằm đã chật, nhưng ở đây nó phải “cõng” tới... ba bệnh nhân. Trong đợt nóng gay gắt đầu hè, dù cho khéo co kéo đến đâu thì vẫn chật chội đến mức da thịt của người bệnh như dính vào nhau, mà mồ hôi trở thành thứ keo dán tự nhiên. Và rồi như một thứ thích nghi với điều kiện oái oăm này, nhiều bệnh nhân đã đề ra “luật chơi”: hai người nằm, một người ngồi, cứ thế xoay “tua”.

Có những bệnh nhân vừa cầm lọ thuốc truyền hóa chất, vừa ngồi cắn răng chịu những cơn đau xé ruột. Có bệnh nhân sắp chết mà vẫn bị người bạn cùng giường với mình trong cơn ngủ mê đạp cho xây xẩm mặt mày.

PGS – TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã thốt lên với tôi rằng: “Nhiều bệnh nhân buộc phải quen với khái niệm “ngồi viện” chứ chẳng được “nằm viện” đâu”.

Giọng ông Trí trầm hẳn xuống. Tôi nhận thấy trong đó có cái gì đó chua xót, thương cảm mà lực bất tòng tâm. Biết làm sao được khi mà bệnh viện chỉ có 95 giường, trong khi đó số bệnh nhân điều trị thường trên dưới 300 người. Ba người một giường cũng không đủ chỗ, người ta nằm tràn ra hành lang, nằm tràn ra sân bệnh viện.

Trưa ấy, tôi nhìn thấy một chú bé gầy đến mức nằm trên chiếc giường sắt nhỏ xíu mà vẫn lọt thỏm. Nhưng gương mặt chú bé khôi ngô và đôi mắt to đen, long lanh những ánh nhìn còn rất đỗi hồn nhiên.

Chú bé cười, bảo với tôi: “Em tên là Đinh Văn Kiên, quê ở huyện Ý Yên (Nam Định). Em đang học lớp 10 thì bị bệnh, phải bỏ học. Từ khi bị mắc bệnh ung thư máu, em sút cân, giờ chỉ còn 15 kg. Em cứ đùa với mẹ là “Con gầy như thế để nằm được ba người một giường ở bệnh viện”.

Chị Tươi - mẹ Kiên - tên có vẻ đối lập với người khi mà gương mặt đã trở nên khô héo, già nua so với độ tuổi bốn mươi.

Chị kể:

“Nhà có bốn anh em. Em sinh đôi với Kiên bị bệnh não mất rồi. Năm ngoái Kiên bị xuất huyết tiểu cầu, nổi hạch bụng, sốt liên tục 42 độ. Từ đó Kiên đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, khi đến đây thì bệnh cháu nặng lắm rồi.

Nhà tôi làm ruộng, đi viện phải bán hết gà, vịt, trâu bò. Khi không còn gì để bán nữa thì vay mượn bà con anh em. Bây giờ đã nợ bốn chục triệu đồng rồi. Bố cháu đi bộ đội phục viên về, sức khỏe yếu lắm. Vừa rồi phải mổ cột sống, giờ cũng đang cần chăm sóc, nhưng vẫn phải còng lưng đi phun thuốc trừ sâu ở quê”.

Mắt chị Tươi đỏ hoe. Mấy ngày nay chị gần như thức trắng. Đêm, cứ ngồi bên con, hết xoa bóp lại lấy khăn ướt lau cho nó đỡ sốt. Cả năm nay, khi nào Kiên cũng sốt 42 độ C, ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hè. Những cơn sốt thiêu đốt thân thể chú bé gầy còm ấy, đến nỗi cả đôi mắt đen tròn kia dường như cũng có lửa.

Kiên bảo: “Em nhớ trường lớp, bạn bè lắm, nhưng chẳng biết bao giờ đi học trở lại được. Em ngủ thường hay mơ, nhưng em chưa bao giờ mơ thấy mình khỏi bệnh. Mẹ ơi, lấy khăn lau cho con”.

Chị Tươi vội lấy chiếc khăn ướt, lau khắp người cho Kiên. Người chú bé như cây sậy khô. 18 tuổi, nặng 15 kg, ung thư máu. Nhưng Kiên sắp đến phiên phải ngồi để cho hai bệnh nhân cùng giường nằm. Chú bé liên tục sốt 42 độ này sẽ ngủ ngồi.

Trưa ấy, ở phòng hành chính của khoa lâm sàng các bệnh về máu (C8), một người đàn ông nhỏ bé, đen đúa, bước vào trình bày với bác sĩ Vũ Quang Hưng: “Bác sĩ ơi, cháu nhà tôi sốt cao quá, bác sĩ cứu cháu với”. Bác sĩ Hưng bảo: “Tôi biết rất rõ bệnh tình của cháu. Cháu cần phải điều trị hóa chất ngay. Tôi đã nói với anh phải quyết định sớm mà anh cứ khất lần”.

Người đàn ông gãi đầu, mặt buồn rười rượi: “Em vẫn biết thế, mà cứ khất lần vì quả thực nhà không còn tiền, không còn gì để bán ra tiền, không biết vay mượn ai nữa. Thấy cháu lên cơn đau, cơn sốt, em như đứt từng khúc ruột mà chẳng biết làm sao. Giá như ai mua của em quả thận để có tiền điều trị cho cháu thì em cũng bán ngay”.

Người đàn ông như chực òa khóc. Nhưng viện phí không thu bằng nước mắt. Thất thểu lê bước ra khỏi phòng, có lẽ người đàn ông nông dân này đang tìm cách rao bán quả thận của mình chăng?

Bác sĩ Vũ Quang Hưng sau khi đến khám cho bệnh nhân Diệp, đã bảo với tôi: “Trường hợp như thế này nhiều lắm, họ không có tiền, không có bảo hiểm, đành chịu chết. Có bệnh nhân ung thư máu đến nhập viện, nhưng vừa thấy bảng giá viện phí và tiền thuốc, họ về ngay, không cần biết tình trạng sức khỏe của mình.

Cũng con người ấy, ít lâu sau vì bệnh tình nặng quá, phải quay lại bệnh viện, trong túi cũng chỉ có mấy trăm nghìn. Mà điều trị bệnh ung thư máu mỗi ngày tốn cả tiền triệu. Đành chịu chết. Ban giám đốc bệnh viện hết sức thông cảm, tạo nhiều điều kiện giúp đỡ, nhưng cũng chỉ trong chừng mực thôi, vì sức không kham nổi”.

“Số người nghèo không có bảo hiểm nhiều không?”, tôi hỏi. Bác sĩ Hưng chỉ vào tấm bảng trắng trước mặt: “Những dòng chữ đỏ ghi tên những người không có bảo hiểm. Đợt này nhiều bệnh nhân không có bảo hiểm quá”.

Tôi thấy trên tấm bảng trắng chi chít những hàng chữ đỏ. Thường thì người nghèo không mua bảo hiểm, người nghèo lại hay mắc bệnh hiểm nghèo. Mà mắc những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, nếu không có bảo hiểm thì giàu cũng khánh kiệt, nghèo thì coi như bó tay chịu chết. Nhưng ở viện này, tôi đã biết một bệnh nhân nghèo mà không khoanh tay chịu chết...

--------------------

Kỳ II: Chuyện cổ tích của Lan và điều ước cho ngày 14/6.

Phùng Nguyên - Thu Hiền

Orginal Source Chuyện của những người ung thư máu

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper