Bệnh mất ngủ

Làm sao để khỏi phải trằn trọc trên giường?

Bạn nằm trên giường, đồng hồ chỉ 2 giờ khuya, và bạn đang hoàn toàn tỉnh táo. Đáng lẽ bạn đã ngủ rồi... từ mấy tiếng đồng hồ trước, lúc cơn buồn ngủ kéo đến làm bạn cảm thấy mí mắt nặng trĩu. Nhưng không hiểu sao khi đặt lưng xuống giường thì cơn buồn ngủ đại hoàn toàn tan biến. Đầu óc bạn bắt đầu suy nghĩ. Bạn suy nghĩ nhiều việc, từ việc nọ sang việc kia... càng lúc bạn càng thấy tỉnh táo hơn! Nhiều lần bạn đã cố nhắm nghiền mắt, cố xua đuổi những tư tưởng ra khỏi đầu và muốn rơi thật nhanh vào giấc ngủ... Nhưng cuối cùng những nghĩ ngợi quay cuồng đó đã trở lại, bạn không tài nào dỗ mình vào giấc ngủ được...

Chuyện này thật ra không có gì lạ, nó cũng chẳng phải là một căn bệnh. Chẳng qua bạn chỉ góp mặt thêm vào trong số hàng triệu người trên thế giới có cùng triệu chứng này mà thôi .

Khoảng vài mươi năm trước đây, khi một bệnh nhân than phiền là bị mất ngủ, bác sĩ thường cho ngay một toa thuốc ngủ. Ngày nay, khoa học tiến bộ hơn, người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân của chứng mất ngủ và tìm được những phương pháp hay hơn, phù hợp với tự nhiên hơn, cũng ít nguy hại hơn để giúp những người mất ngủ tìm được một giấc ngủ bình an, khỏe mạnh.

Bạn bị mất ngủ?... Hãy theo những phương pháp đơn giản dưới đây.

Có một giờ giấc đi ngủ nhất định mỗi ngày.

Giấc ngủ là chuyện tự nhiên phải có của một con người trong một chu kỳ 24 giờ, các bác sĩ chuyên khoa nói như vậy. Bạn nên tự đặt cho mình giờ giấc đi ngủ nhất định trong mỗi ngày. Đừng để những dịp thả lỏng cuối tuần làm xáo trộn. thời khóa biểu cửa mình. Tối thứ bảy đi dự một buổi tiệc về khuya, sau đó lại xem một chương trình TV hấp dẫn. Điều này bảo đảm rằng bạn khó tìm lại giấc ngủ đúng giờ vào tối chủ nhật để có thể thức dậy sớm vào sáng thứ hai.

Tìm số giờ ngủ vùa đủ cho mình và đừng phí thì giờ "lên giường sớm" hoặc "nằm nướng" trên giường

Bạn nên tập thói quen khi nằm lên giường là ngủ ngay, cũng như khi đã thức thì đừng nán lại trên giường. Thói quen này giúp cho bạn tránh khỏi những đêm trằn trọc mất ngủ.

Cơ thể mỗi con người khác nhau. Không hề có con số nào ấn định số giờ ngủ cần thiết mỗi ngày là 7 hay 8 tiếng như nhiều người lầm tưởng. Một hài nhi mới ra đời có thể ngủ vùi hơn 15 tiếng mỗi ngày. Số giờ ngủ này giảm lại còn chừng 9 tiếng khi dứa bé lên mười. Khi lớn tuổi, giấc ngủ trung bình mỗi đêm chỉ còn khoảng 5 tiếng.

Đó là con số chung chung. Nếu bạn ở tuổi trưởng thành và có thói quen ngủ mỗi ngày 5 tiếng?... Con số này không có gì là quá ít hay quá thiếu. Một người khác cùng tuổi bạn lại có giấc ngủ kéo dài hơn 10 tiếng?... Giấc ngủ này cũng không hẳn là nhiều. Mỗi người có một cơ thể khác nhau. Khoa học cũng như y học không hề ấn định số giờ nào cho giấc ngủ cả.

Bạn có thể ngủ 5 hay 10 tiếng, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn, miễn sao cho cơ thể không thấy mỏi mệt, không buồn ngủ, không ngáp dài trong ngày hôm sau là được.

Để biết được số giờ ngủ cần thiết cho cơ thể mình, hãy làm theo phương pháp sau đây.

Trước hết đặt một số giờ ngủ hơi ít hơn bạn thường ngủ một chút. Giả sử bạn có thói quen vào giường lúc 11 giờ đêm tỉnh dậy lúc 7 giờ sáng. (nhưng thường hay thức giấc nửa đêm). Bạn hãy đặt cho mình giờ giấc mới, thay vì vào giường lúc 11 giờ, hãy thử lên giường lúc 12 giờ, và vẫn để đồng hồ báo thức vào 7 giờ sáng.

Nếu ngày hôm sau bạn không hề có cảm giác buồn ngủ hay mệt mỏi, thì giấc ngủ 7 tiếng (từ 12 - 7) có thể hoặc vừa đủ, hoặc hơi dư cho bạn. Đêm hôm đó thử đi ngủ trễ hơn 15 phút nữa (12:15) và vẫn thức dậy 7 giờ sáng... tiếp tục mỗi đêm như vậy cho đến khi bạn cảm thấy hơi buồn ngủ vào ban ngày. Số giờ ngủ của đêm chót cộng thêm 15 phút chính là giấc ngủ mà cơ thể bạn cần. Với số giờ này, bạn sẽ ngủ một hơi tới sáng mà không còn trằn trọc hay thức giấc nửa đêm nữa.

Tương tự, nếu sau khi giảm giấc ngủ lại một tiếng bạn cảm thấy buồn ngủ vào ngày hôm sau, hãy đi ngủ sớm hơn mỗi ngày 15 phút cho đến khi không còn cảm giác buồn ngủ ban ngày nữa. Số giờ ngủ đêm cuối cùng chính là giấc ngủ cần thiết.

Sau khi đã biết được số giờ ngủ cần cho cơ thể mình, hãy tập thói quen lên giường đúng giờ và thức dậy đúng giờ (dù là ngày chủ nhật hay thứ bảy).

Nếu vì lý do nào đó mà có đêm bạn phải lên giường hơi trễ, đừng nằm nướng để bù vào chỗ bị mất trong buổi sáng, mà hãy lên giường sớm hơn một chút vào tối hôm sau.

Muốn lo nghĩ tính toán... hãy làm trước khi lên giường

Lý do làm nhiều người mất ngủ nhất là sự lo nghĩ, tính toán để làm một việc gì. Ngày mai có một buổi họp quan trọng chẳng hạn... phải đặt kế hoạch ra sao?... Phải nói thế nào cho có kết quả ? . . . Sau đó phương pháp hành động thế nào?...

Chuyện này đơn giản thôi. Sau giờ cơm chiều, hãy ngồi tại bàn giấy hay phòng khách mà suy nghĩ thật chu đáo trong một hai tiếng. Chỉ suy nghĩ những gì cần làm cho ngày mai thôi, đừng xa quá. Việc cần làm vào ngày mốt nên để dành suy nghĩ vào đêm mai. Đừng để tâm trí bạn phiêu lưu, nhiều lúc lại đi vào tưởng tượng hay mơ mộng.

Chẳng hạn như ngày mai công ty bạn sẽ ký một giao kèo xuất khẩu. Sẽ cần những giấy tờ này, sẽ cần xem xét kỹ những việc này... thế thôi. Đừng để tâm trí lang thang về kết quả của giao kèo. Ngưng lại!... Những chuyện này chắc chắn làm bạn mất ngủ.

Đừng biến phòng ngủ thành phòng làm việc, phòng ăn, hay phòng hội nghị

Đừng đem sách vở, tài liệu vào nghiên cứu trên giường. Đừng đọc sách, đừng xem TV, đừng ăn trên giường, đừng bàn bạc, thảo luận, hoặc cãi vã với vợ hay chồng trên giường. Chiếc giường chỉ nên dùng để ngủ, và nên tập thói quen chỉ lên giường trước giấc ngủ tối đa 15 phút.

Tránh cà phê, trà đậm... dĩ nhiên

Tất cả các nước uống hoặc thực phẩm có chứa chất cafein như nước ngọt, nước chocolate, trà... đêu không nên dùng vào buổi chiều sau 4 giờ. Nhất là trà đậm nhiều lúc còn có tác dụng mạnh hơn cà phê nữa.

Đùng uống rượu

Rượu có tác dụng xoa dịu thần kinh và làm dễ buồn ngủ. Nhiều người có thói quen uống rượu để tìm giấc ngủ. Việc này không tốt vì có thể tạo thành thói quen ghiền rượu. Đến một mức độ nào đó, cơ thể bạn sẽ từ chối không chịu ngủ khi không có rượu đổ vào. Mặt khác, người uống nhiều rượu sẽ ngủ say lúc còn men rượu, và thường thức dậy nửa đêm, khi men rượu đã tan hết.

Một số các thuốc trị bệnh (như thuốc xịt trị suyễn) cũng có thể làm trằn trọc khó ngủ. Nếu đang dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ về phản ứng phụ của thuốc khi bạn không tìm ra nguyên nhân mất ngủ của mình.

Ăn vặt sẽ dễ ngủ hơn

Một chút bánh lạt, một phần trái cây, hoặc một ly sữa ấm trước giờ ngủ chừng hai tiếng thường giúp bạn dễ rơi vào giấc ngủ hơn. Nhưng tránh đừng ăn ngọt vì chất đường vào máu sẽ cung cấp nhiều năng lượng và làm bạn khó ngủ. Nếu đã có tuổi, việc uống nhiều chất lỏng trước giờ ngủ cũng không tốt vì nó sẽ đánh thức bạn dậy nửa đêm để đi... toilet!

Làm cơ thể mỏi mệt sẽ dễ ngủ hơn

Ngủ là phản ứng tự nhiên của cơ thể để lấy lại thăng bằng cho cơ thể. Một ngày hoạt động chân tay nhiều thường mang lại một giấc ngủ ngon vào buổi tối. Việc đi bộ hay đi xe đạp vòng quanh khu phố vào buổi chiều sẽ giúp giấc ngủ dễ dàng hơn. Cảm giác rã rời sau khi làm tình cũng dễ đưa bạn vào giấc ngủ.

Ảnh hưởng của nhiệt độ: Tắm nước nóng, Uống nước lạnh, mặc quần áo mỏng...

Bạn có để ý rằng việc mất ngủ thường xảy ra vào những ngày trở trời không? Nhiệt độ đóng vai trò rất quan trọng trong giấc ngủ. Kinh nghiệm của các chuyên gia nghiên cứa về thân nhiệt cho thấy nhiệt độ trong cơ thể thường lên cao nhất vào lúc những hoạt động trong ngày ở mức cao độ, và hạ xuống thấp nhất trong giấc ngủ.

Gần như một phản ứng tự nhiên, cơ thể cảm thấy buồn ngủ khi thân nhiệt bắt đầu hạ xuống. Hãy tắm nước nóng trước khi ngủ chừng vài tiếng để thân nhiệt cao hơn, và sẽ hạ nhiều hơn để tạo cơn buồn ngủ sau đó.

Việc mặc quần áo thật mỏng hoặc uống một cốc nước lạnh cũng có công dụng tương tự - làm thân nhiệt giảm xuống dể giúp cơ thể dễ rơi vào giấc ngủ hơn.

Các kỹ thuật dẫn dắt vào giấc ngủ

Bạn từng nghe nói đến thôi miên, yoga, hoặc việc đếm cừu có thể đưa người ta vào giấc ngủ hết sức nhanh chóng. Điều này có thật và không có gì lạ. Những việc này đều nhằm mục đích tạo cho bạn sự chán nản, để từ đó, cơn buồn ngủ phát sinh.

Ngoài ra, giấc ngủ còn là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại những thứ mà nó không thích chịu đựng. Ở xứ nóng người ta thường ngủ trưa... Bạn ngủ gục khi xem một phim quá tệ, hay khi nghe giọng giảng bài đều đều của một ông thầy giáo dở... Khi buồn chán, thất bại... người ta thường “ngủ cho quên đời " !...

Hãy làm bài toán theo chiều ngược lại, hãy làm cho cơ thể bạn chán nản, mệt mỏi, và nó sẽ ngủ.

Nghe nhạc hòa tấu cổ điển. Đây là loại nhạc nghe êm tai, mà thường không hay lắm, không tạo một kích thích gì khác ngoài tiếng đều đều của âm nhạc. (Đừng nghe nhạc...hay? Như Love-story, Greenfleld, Romeo & Juhet... những bản này tuy êm dịu, nhưng thường có tác dụng tâm lý làm bạn nhớ đến... một người tình, một chuyện tình... và người tình này sẽ làm bạn mất ngủ.) Tương tự với loại nhạc hòa tấu đều đều này, bạn nên tìm mua những cuộn băng thu tiếng sóng vỗ, tiếng thác nước, tiếng thông reo... để ru bạn vào giấc ngủ.

Nghe hoặc xem một cái gì nhàm chán. Hãy nghe một cuốn băng thoại kịch hoặc cải lương mà mình đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Mở TV lên tìm một đài nào không có phim bắn súng, đấm đá, hay hôn hít say sưa mà chỉ có cô xướng ngôn viên nói chuyện, và nói những chuyện bạn không thích nghe.

Xem TV là một trong những phương pháp thôi miên. Ánh sáng của màn ảnh TV thường làm bạn đi vào giấc ngủ lẹ hơn là chỉ nghe tiếng nói.

Đọc một cuốn sách thật dở, thật khô khan là một phương pháp hay để dưa bạn vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể trau dồi Anh ngữ bằng cách mỗi đêm trước khi đi ngủ hãy nằm trên giường học thuộc lòng... một trang tự điển (sao lại đến một trang ? . . . để làm bạn chán nản và sẽ phải ngủ !)

Yoga. Nằm trên giường, tập trung tư tưởng vào hơi thở. Hãy hít một hơi chầm chậm để cho không khí từ từ qua mũi rồi nhẹ nhàng lan xuống rang ngực. Giữ lại... đếm từ 1 đến 3, rồi từ từ thở ra thật nhẹ nhàng, thật sâu, ép cho hết không khí ra khỏi lồng ngực... tiếp tục hít vào... thở ra như vậy300 lần (bạn sẽ ngủ trước khi đến lần thứ 200).

Đếm cừu. Tưởng tượng trước mặt bạn có một đàn cừu 100 con đang sắp hàng nhảy qua một thân cây ngã dưới đất. Đếm từ con đầu tiên đến con cuối cùng. Phương pháp đếm cừu nếu bạn đã thử dùng mà không có hiệu quả, hãy thử cách mới xem: Đếm cách 7 số từ số 999 trở về số không (999, 992, 985, 978... và bạn sẽ ngủ trước khi đến số 500 ! )

MẸO VẶT

Uống 200 mg chất magnesium cùng với 25 mg sinh tố B6 khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ có thể tránh được việc trằn trọc trên giường. Có thể tăng liều lượng trên gấp đôi nếu cần (và chỉ gấp đôi là tối đa).

Magnesium là một khoáng chất giống như sắt (Iron), đồng (copper), kẽm (zinc)... có thể tìm thấy ở bất cứ tiệm thuốc tây nào.

*Lưu ý: Sinh tố B6 uống quá nhiều sẽ có hại. Nhớ tuân theo cách dùng trên nhãn thuốc.

Bài liên quan

Bệnh học Tăng huyết áp
Bệnh học Tăng huyết áp
Phòng các chứng đau đầu
Chứng đau cổ họng
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper