Lần đầu làm mẹ, những điều chưa biết

Có vô số điều khiến bạn lo lắng về đứa con đầu lòng của mình nhưng lại không thể hỏi ai . Tuy vậy , cũng đừng nên hoảng hốt , lo lắng quá , mà có thể học cách hiểu thiên thần nhỏ bé của mình .

Sao bé trông không xinh? Khi mang bầu , bạn thường hình dung bé thật mũm mĩm , xinh xắn . Đừng vội thất vọng khi thấy con chào đời không như tưởng tượng , thậm chí da còn nhăn nheo và đầu thì lại hơi dài . Đó là do bé vừa phải thu mình , lách qua xương chậu nhỏ hẹp của bạn để ra ngoài . Rồi đầu bé sẽ dần trở lại hình dáng bình thường , cơ thể sẽ dần phổng phao hơn khi được hít thở không khí và bé sẽ đúng là thiên thần nhỏ mà bạn hằng ao ước .

Sao bé hay giật mình? Sau nhiều tháng được bảo vệ yên ổn trong bụng mẹ , giờ đây bé phải tự mình hòa vào thế giới bên ngoài mà không có bất cứ vòng bảo vệ nào . Cơ thể bé chưa thể thích nghi ngay với môi trường mới này và chỉ có một tiếng động nhỏ cũng làm bé giật mình . Đừng quá lo lắng bởi phản ứng này sẽ mất dần sau ba tháng khi hệ thần kinh dần hoàn thiện và cơ chế điều khiển các chi đã thực sự hoạt động . Tuy nhiên , nếu bé liên tục giật mình theo chu kỳ và không ngừng lại ngay cả khi đã được bạn ôm chặt , hãy đưa bé đi khám .

Sao bé nhanh đói thế? Trong những tuần đầu , bé rất háu ăn bởi cơ thể bé cần nhiều chất để phát triển . (Chẳng phải chỉ sau sáu tháng , trọng lượng của bé đã tăng gấp đôi đó sao) . Khoảng bốn đến sáu tuần tuổi là thời kỳ bé ăn tốt nhất nhưng cần lưu ý tránh hiểu lầm tín hiệu bé muốn được ôm ấp , dỗ dành là bé đòi ăn . Đừng quá lo lắng rằng sữa bạn không đủ tốt để làm bé no . Sữa mẹ bao giờ cũng dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa ngoài .

Sao chân và tay bé lạnh? Đừng vội điều chỉnh lò sưởi hay quấn thêm chăn cho bé . Nếu kiểm tra thấy thân mình bé vẫn ấm và hồng hào thì hãy yên tâm rằng không phải bé bị lạnh đâu . Bởi vì tay chân là những bộ phận cuối của cơ thể được cung cấp máu nên có thể sẽ không ấm bằng những nơi khác . Phải mất khoảng ba tháng , hệ thống tuần hoàn trong cơ thể bé mới làm việc hoàn hảo , độc lập . Khi đó tay chân bé sẽ đỡ lạnh và xám .

Sao bé lại bị sưng bộ phận sinh dục? Khi mới sinh , bé vẫn mang trong mình một vài hoóc môn của cơ thể mẹ . Những hoóc-môn này khiến cho tinh hoàn căng phình ở bé trai và môi âm hộ bị sưng ở bé gái . Tuy nhiên , chỉ một vài ngày sau là hiện tượng này sẽ hết .

Sao trong tã của bé gái lại có vết máu? Cũng chính những hoóc môn trong cơ thể mẹ đó gây rỉ máu âm đạo ở một vài bé gái sơ sinh . Hiện tượng này thường chỉ xảy ra vài ngày đầu của bé . Nếu thấy tã bé có vài vết máu mầu đen thì đó cũng là chuyện bình thường . Những trường hợp ra máu đỏ tươi bất thường , cần tới ngay bác sĩ khám . Cũng cần lưu ý bởi đôi khi vết đen mà bạn tưởng là máu đó có thể chỉ là nước tiểu của bẹ bị khô lại thôi .

Sao môi trên của bé lại có vết chai? Nhiều trẻ sơ sinh thường có một nốt sần hay phồng rộp ở môi trên . Có thể là do ngay từ khi trong bụng mẹ , bé đã ngậm tay đến thành chai . Cũng có thể do bé bú bình hay bú mẹ quá mạnh . Các vết chai này không hề ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé . Chúng có thể sẽ tự biến mất sau vài tháng hoặc nó có thể xuất hiện rồi lại mất đi .

Làm sao phân biệt được phân su và bị ỉa chảy? Các bé được nuôi bằng sữa mẹ thường thải phân mầu vàng sẫm , lổn nhổn , lỏng và không thành khuôn , trong khi các bé bú bình thường thải phân rắn hơn , mầu nâu nhạt và nhuyễn hơn . Có bé thải hàng chục lần một ngày nhưng có bé chỉ đi vài lần mỗi tuần . Nếu bé vẫn tăng cân đều , không bị sưng hay phù nề gì , thì đó là hiện tượng bình thường , đâu là bị ỉa chảy . Thông thường , trẻ bú sữa mẹ thường thải ngay sau khi ăn . Tốt nhất , bạn nên theo dõi thường xuyên các triệu chứng và thói quen của bé .

Sao bé hắt hơi liên tục? Bé mới sinh thường hắt hơi rất nhiều nhưng không phải do lạnh hay cúm đâu . Đó chỉ đơn giản là phản ứng tự nhiên giúp bé làm sạch mũi và thông thoáng đường hô hấp . Hắt hơi cũng giúp bé mở rộng lỗ mũi bị nghẹt . Khi bạn cho bé ăn , bé thường nằm nghiêng , áp sát một bên má vào người bạn nên một bên mũi sẽ tạm thời bị bít lại . Sau khi ăn xong , bé thường hắt hơi hoặc thở mạnh để lỗ mũi trở lại bình thường .

Sao da tay , da chân bé hay bị bong? Khi bé còn nằm trong bọc nước ối , da bé được chất sáp trắng Vernix bao phủ và bảo vệ . Khi ra ngoài không khí , chất sáp này bị lau sạch , lớp da trên cùng khô lại và bong ra . Cứ để da bé bong tự nhiên , đừng bóc ra bởi có thể bạn sẽ bóc cả những lớp da không cần thay của bé . Kem dưỡng da cũng không cần thiết . Việc tróc da sẽ kéo dài khoảng một đến hai tuần .

Sao không thấy bé thở? Thực ra , bé ngưng thở khoảng 20 giây hay nhịp thở có lúc không đều được coi là bình thường trong giai đoạn phát triển cơ hoành và hệ thần kinh trung ương . Bé thường thở rất nhẹ hoặc ngưng lại giữa các giai đoạn thở nhanh , dồn dập . Khoảng sáu tuần tuổi cơ chế hoạt động của hệ hô hấp sẽ ổn định hơn . Tuy nhiên , để cẩn thận , bạn nên đặt bé nằm ngửa hoặc nghiêng khi ngủ , bỏ hết đồ chơi và gối ôm ra khỏi nôi và quan trọng nhất là không được hút thuốc . Nếu bé ngưng thở quá 20 giây hoặc da tím tái , hãy gọi cấp cứu ngay .

Sao mọi tiếng khóc đều giống nhau? Đừng quá lo khi bạn không phân biệt nổi khi nào bé khóc vì đói , khi nào khóc đòi thay tã . Theo thời gian , bạn có thể phân biệt tiếng bé la khóc inh ỏi vì đau và tiếng thút thít vì mệt mỏi . Khi bé đói , tiếng khóc chỉ ở trung bình dù cho bé gào hết cỡ để đòi ăn ngay . Nhưng trong những ngày đầu , cũng không cần phải quá lo lắng về lý do bé khóc đôi khi bé khóc chẳng vì cái gì cả .

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper