5 hiểu lầm về bệnh tăng huyết áp

Một số người huyết áp rất cao nhưng không có biểu hiện gì đặc biệt, trong khi những người khác triệu chứng rất rõ ràng nhưng huyết áp lại không cao lắm.

Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140 mmHg, huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg trở lên. Tăng huyết áp có thể là tăng một trong hai chỉ số này, hoặc cả hai. Trường hợp huyết áp tối thiểu tăng cao là rất nguy hiểm, dễ gây tai biến.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất phức tạp, tùy thể trạng của từng người. Bệnh nhẹ có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai hoa mắt, mất ngủ mức độ nhẹ... Bệnh nặng sẽ gây đau đầu dữ dội, đau vùng tim, thị lực giảm sút; người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái xanh, thậm chí có thể nôn hoặc buồn nôn, hốt hoảng...

Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân của các bệnh ở động mạch vành, tim, xơ cứng động mạch thận. Dưới đây là một số hiểu biết sai lầm về bệnh này:

Tăng huyết áp cùng với tuổi tác là hiện tượng bình thường

Huyết áp sẽ tăng tỷ lệ thuận với độ tuổi; đặc biệt là vào giai đoạn lão hóa, huyết áp tối đa tăng rõ rệt nhất. Tuy nhiên, đây không phải là một hiện tượng sinh lý, mà rất có hại cho sức khỏe. Người huyết áp tối đa cao có nguy cơ gặp các tai biến nguy hiểm cao gấp 3-6 lần so với người có chỉ số này bình thường, cần có biện pháp điều trị để phòng ngừa được các bệnh về tim và mạch máu não.

Chỉ cần uống thuốc hạ áp khi tinh thần căng thẳng

Một số người già cho rằng thuật ngữ “tăng huyết áp” dùng để chỉ những người bị kích thích về tinh thần và căng thẳng về thần kinh. Do đó, họ chỉ uống thuốc khi cảm thấy khó chịu, căng thẳng về tinh thần. Nhưng nên biết rằng tăng huyết áp không chỉ do sự căng thẳng về tinh thần; có rất nhiều người sống trong điều kiện thoải mái nhẹ nhàng mà vẫn bị. Việc dùng thuốc không đúng sẽ có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm.

Có thể biết bệnh nặng, nhẹ qua cảm giác

Triệu chứng của tăng huyết áp nhiều khi không đồng nhất với mức độ bệnh. Có khi triệu chứng rất rõ ràng nhưng huyết áp lại không cao lắm. Ngược lại, có những người huyết áp rất cao nhưng triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn nên không uống thuốc, khiến nhiều chứng bệnh cùng phát sinh như tim phì đại, nhồi máu cơ tim...

Do đó, nên định kỳ kiểm tra sức khỏe, trong đó có đo huyết áp để phát hiện bệnh. Với những người đã có chẩn đoán tăng huyết áp, nên đo thường xuyên để biết diễn biến bệnh.

Chỉ cần thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt là đủ

Khi bác sĩ thường khuyên rằng bên cạnh việc uống thuốc hạ huyết áp hằng ngày, bệnh nhân cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như giảm béo, năng tập thể dục thể thao, ăn giảm muối. Nhưng một số người lại hiểu nhầm rằng, họ không cần uống thuốc mà chỉ cần chọn lấy một trong những cách trên là có thể cải thiện bệnh. Thực ra phần lớn các biện pháp này chỉ có vai trò bổ trợ, chứ không thể thay thế thuốc. Nếu không dùng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định, bạn có thể gặp nguy hiểm.

Ngừng thuốc khi thấy bệnh giảm

Rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị thấy huyết áp trở lại mức bình thường đã tự ý ngừng thuốc vì cho rằng mình đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Trên thực tế, số người bị tăng huyết áp điều trị khỏi rất hiếm, vì vậy cần phải cảnh giác, liên tục kiểm tra điều chỉnh nhằm phòng chống những biến chứng. Phần lớn bệnh nhân phải uống thuốc suốt đời.

Không phải người có huyết áp 150 mmHg thì sẽ an toàn hơn người có huyết áp 200 mmHg. Sự an toàn tính mạng chủ yếu là do ý thức bảo vệ sức khỏe. Người huyết áp cao 200 mmHg mà biết cách chú ý giữ gìn, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, sống điều độ thì sẽ giúp huyết áp ổn định lại. Ngược lại, người huyết áp vốn chỉ ở mức 150 mmHg mà không chịu giữ gìn, ăn uống vô tội vạ, không tập luyện thường xuyên thì rất dễ tiến triển thành bệnh nặng.

(TheOrginal Source 5 hiểu lầm về bệnh tăng huyết áp

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper