Xử lý mụn rộp

Khi tiếp xúc trực tiếp với vết tổn thương, virus lan truyền làm da (thường ở môi và bộ phận sinh dục) tấy đỏ, nổi mụn nước và lở loét. Những cái mụn dễ lan này còn tái phát nhiều đợt, nhất là ở bệnh nhân AIDS.

Mụn rộp môi

Mụn rộp (còn gọi là mụn herpes) là một bệnh nhiễm khuẩn, truyền nhiễm, hay tái phát do virus Herpes simplex gây nên, biểu hiện bằng nổi các mụn nước ở môi (typ 1) hoặc ở bộ phận sinh dục (typ 2) và ở một số nơi khác.
Mụn rộp có thể tái phát trong nhiều hoàn cảnh: phụ nữ hành kinh hoặc mang thai, người mắc bệnh truyền nhiễm, nhân một choáng cảm xúc, khi da tiếp xúc nhiều với ánh nắng...
Mụn rộp môi
Căn bệnh truyền nhiễm này do virus Herpes simplex 1 gây ra. Lây nhiễm đầu tiên diễn ra trong thời thơ ấu. Nói chung, sơ nhiễm không gây ra triệu chứng gì, tuy vậy người bệnh cũng có thể thấy đau do da vùng tổn thương bị đỏ và bỏng rát, trên da nổi những mụn nước chứa dịch trong. Tổn thương này thường khu trú ở môi và quanh mũi. Lâu dần, các mụn nước sẽ vỡ ra để lại một vảy màu vàng, rụng đi trong vài ngày, không để lại sẹo.
Điều trị: Dùng các thuốc sát khuẩn bôi tại chỗ, mỗi ngày 2 lần để làm khô mụn. Nếu dùng Aciclovir (thuốc chống virus) ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên có thể rút ngắn được diễn biến của bệnh.
Mụn rộp sinh dục
Do virus Herpes simplex 2 gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường sinh dục, càng ngày càng hay gặp. Sơ nhiễm có nhiều biểu hiện rầm rộ: Lúc đầu bệnh nhân có cảm giác bỏng rát ở bộ phận sinh dục, đôi khi ở vùng hậu môn - trực tràng. Sau đó, xuất hiện một số mụn nước, khi vỡ ra để lại những nốt loét, đau nhiều, nhất là khi tổn thương bị dính nước tiểu. Bệnh kéo dài 2 đến 3 tuần. Những cơn tái phát về sau thường nhẹ và ngắn hơn.
Mụn rộp sinh dục (và ở một mức độ nhẹ hơn, mụn rộp miệng) là những bệnh đáng sợ đối với người suy giảm miễn dịch, do đó nên dùng Aciclovir để trị bệnh. Phụ nữ có thai bị mụn rộp sinh dục sẽ truyền bệnh cho con khi sinh nở. Để tránh tình trạng này, những sản phụ đang bị mụn rộp sinh dục nặng, khi sinh nên được mổ tử cung để lấy thai.
Nếu trẻ còn bú đã bị eczema rộng hay lại mắc thêm bệnh mụn rộp da thì bệnh này sẽ tiến triển rất nặng: đó là hội chứng Kaposi-Julius-berg.
Chẩn đoán mụn rộp sinh dục thường dựa trên khám lâm sàng và nếu cần sẽ làm xét nghiệm phân lập virus từ những tổn thương mụn nước. Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus đặc hiệu trong huyết thanh chỉ có giá trị khiêm tốn.
Điều trị: Bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ để làm khô tổn thương và tránh bội nhiễm, nhưng nếu bệnh hay tái phát, đặc biệt là ở bộ phận sinh dục hoặc vùng hậu môn - trực tràng thì nên dùng thêm Acidovir.
Phòng bệnh:
Cho đến nay vẫn chưa có vaccine chống mụn rộp. Không có cách nào để có thể phòng ngừa được mụn rộp môi vì không thể tránh được mọi tiếp xúc với virus Herpes simplex 1.
Ngược lại, phòng chống mụn rộp sinh dục lại là điều hết cơ bản: dùng bao cao su khi giao hợp và không quan hệ tình dục trong thời gian đang mắc bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác giới; đồng thời cũng tránh cho bản thân khỏi bị lây nhiễm dễ dàng bởi một bệnh khác theo đường tình dục.
Mụn rộp và AIDS
Mụn rộp sinh dục và mụn rộp môi sẽ diễn biến nặng hơn ở người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân AIDS hoặc người mới được ghép tạng. Ở những đối tượng này, mụn rộp sẽ lan tràn và trở thành mạn tính, gây loét nhiều và nặng ở miệng, môi, bộ phận sinh dục. Cũng có thể loét tràn lan ở cơ quan tiêu hoá và hô hấp làm chảy máu và loét da khắp cơ thể. Điều trị bằng Aciclovir cho kết quả tốt.

GS.Phạm Gia Cường (Theo Báo Khoa học & Đời sống)

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper