Béo phì

Cân nặng của bạn có vượt quá mức bình thường cho phép không? Nếu có, bạn cũng giống như hàng trăm triệu người khác trên thế giới bị thừa cân hoặc thừa cân nặng (béo phì). Tại Hoa Kỳ, con số đó là 97 triệu người và đang trở thành một dịch bệnh, trong khi tại Việt Nam hiện nay mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng số người thừa cân và béo phì ngày một tăng lên không ngừng. Số trẻ em bị béo phì cũng chiếm tỷ lệ cao.

Béo phì có liên quan đến một sự tăng cao bất thường của thành phần mỡ trong cơ thể. Trong y khoa, định nghĩa béo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) 3 30. [BMI(kg/m2)=cân nặng(kg)/ bình phương chiều cao(m2)].

Béo phì không chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ. Béo phì và dư thừa mỡ làm cơ thể bạn phải đương đầu với nguy cơ cao các bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Với khoảng 30-30 tỷ tế bào mỡ, cơ thể chúng ta có thể dự trữ thêm một lượng mỡ rất lớn ngoài mức bình thường. Mỡ giúp duy trì năng lượng và là môi trường cách điện để tạo ra điện thế trong cơ thể, mỡ còn có nhiều chức năng quan trọng khác. Tuy nhiên nếu lượng mỡ vượt qua một mức ngưỡng nào đó sẽ gây trở ngại cho cơ thể, và hơn thế, nó còn đe dọa mạng sống của bạn.

Chỉ cần giảm được cân nặng khoảng 5-10kg cũng đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của bạn. Để đạt được điều này đôi khi chỉ cần phối hợp chế độ ăn hợp lý, tập thể dục và thay đổi thói quen. Nếu vẫn không hiệu quả mới phối hợp với thuốc giảm béo và phẫu thuật.

Với một thái độ tích cực, chắc chắn bạn có thể giảm được cân nặng của mình. Tuy nhiên, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc trước khi bạn quyết định theo đuổi một chế độ giảm cân, bởi vì chế độ ăn kiêng hay tập luyện quá mức có thể nguy hại cho bạn.

Nguyên nhân

Cân nặng là kết quả cân bằng giữa lượng calori nhập vào từ thực phẩm và năng lượng xuất ra sử dụng cho các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Nếu bạn nhập nhiều hơn tiêu thụ, năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ.

Ăn uống quá độ cộng với thiếu hoạt động là nguyên nhân chính, bên cạnh đó còn có rất nhiều yếu tố khác góp phần gây béo phì.

Yếu tố nguy cơ

Gồm:

Chế độ ăn. Dùng nhiều thực phẩm chứa hàm lượng mỡ cao, như thức ăn nhanh, dễ làm tăng trong lượng cơ thể. Thức ăn nhiều mỡ chứa lượng calori rất cao. Uống rượu nhẹ, kẹo ngọt và tráng miệng cũng thúc đẩy tăng cân.

Kém hoạt động. Những người làm việc tại chỗ, ít hoạt động, ít di chuyển dễ bị béo phì hơn do ít sử dụng năng lượng.

Yếu tố tâm lý. Một số rối loạn tâm lý gây ra ăn uống quá độ.

Yếu tố di truyền. Nếu một trong hai hoặc cả hai cha mẹ bạn bị béo phì, khả năng bạn cũng béo phì tăng lên đến 25-30%. Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khả năng dự trữ và phân phối mỡ trong cơ thể.

Giới tính. Nam giới có khối lượng cơ bắp nhiều hơn nữ, mà cơ tiêu thụ rất nhiều năng lượng ngay cả lú nghỉ. Vì vậy, việc giảm cân ở nữ giới khó hơn ở nam.

Tuổi. Càng lớn tuổi, khối lượng cơ của bạn càng giảm và năng lượng dự trữ vào mỡ càng nhiều, đồng thời giảm khối cơ gây giảm chuyển hóa. Chuyển hóa cơ thể cũng giảm tự nhiên theo tuổi. Tất cả các thay đổi này đếu góp phần làm giảm nhu cầu calori. Nếu bạn không giảm lượng calori nhập vào khi bạn lớn tuổi, bạn sẽ dễ bị béo phì hơn.

Thuốc lá. Người nghiện thuốc lá có xu hướng tăng cân sau khi ngưng hút. Tăng khoảng 3-4kg không phải là hiếm gặp. Có lẽ do nicotin làm tăng chuyển hóa và sử dụng calori. Thuốc lá còn ảnh hưởng đến vị giác và sự thèm ăn, sau khi ngưng thuốc thường ăn nhiều hơn.

Thai kỳ. Sau mỗi lần có thai và sinh nở, người phụ nữ tăng trung bình khoảng 2-3kg. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm phụ nữ béo phì.

Thuốc. Corticoid và chống trầm cảm 3 vòng có thể làm tăng cân.

Bệnh lý. Một số bệnh lý làm bệnh nhân giảm vận động, dẫn đến tăng cân.

Một số rối loạn như suy giáp, hội chứng Cushing (tuyến thượng thận tăng sản xuất hormone quá độ) hay các dạng mất cân bằng hormone khác. Nói chung béo phì hiếm khi do tốc độ chuyển hóa thấp.

Khi nào bạn cần phải đi khám bệnh?

Dựa vào:

Chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index). BMI=Cân nặng cơ thể/Bình phương chiều cao) là một chỉ số đánh giá lượng mỡ trong cơ thể và các nguy cơ đối với sức khỏe. Chỉ số BMI cho thấy tương quan giữa cân nặng và chiều cao, bình thường từ 18.5 – 24.9; tăng cân trên mức bình thường, thừa cân (overweight) với BMI từ 25 – 29.9; và nếu chỉ số BMI của bạn từ 30 trở lên thì có nghĩa bạn đang bị béo phì, lúc này cần phải khám hoặc tham vấn ở bác sĩ điều trị nhằm có kế hoạch giảm cân phù hợp.

Vòng bụng. Nếu mỡ trong cơ thể bạn tập trung hầu hết ở eo, bụng và phần trên cơ thể, bạn sẽ bị quá cân hoặc béo phì dạng quả táo (Tàu) (apple-shaped). Ở dạng này, các cơ quan vùng bụng cũng bị tích tụ mỡ. Nói chung béo phì dạng quả lê tốt hơn dạng quả táo Tàu, do sự tích tụ mỡ ở các cơ quan vùng bụng sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nặng nề có liên quan đến béo phì. Ở nữ, vòng bụng cần giảm dưới 89 cm (35 inch), ở nam là dưới 102 cm (40 inch). Bạn cần phải được hướng dẫn giảm cân nếu có vòng bụng lớn hơn các mức trên.

Biến chứng

Người béo phì có nguy cơ cao bị các bệnh nguy hiểm như:

Tăng huyết áp. Khi tăng cân, chủ yếu là bạn tăng khối lượng mỡ. Cũng như mọi mô khác trong cơ thể, mô mỡ cũng cần oxy và dinh dưỡng trong máu để duy trì sự sống. Khi nhu cầu oxy và dinh dưỡng tăng lên, lưu lượng máu trong hệ tuần hoàn cũng tăng để đáp ứng nhu cầu đó. Lượng máu lưu chuyển trong hệ tuần hoàn tăng làm tăng áp lực của máu lên thành động mạch. Tăng cân còn làm tăng nồng độ insulin – một hormone kiểm soát lượng đường trong máu. Tăng Insulin làm tăng giữ muối nước, tăng thể tích tuần hoàn. Hơn nữa, khi tăng cân nhịp tim của bạn tăng đồng thời thể tích lòng mạch cũng giảm.

Đái tháo đường (ĐTĐ). Béo phì là nguyên nhân hàng đầu của đái tháo đường típ 2 (còn gọi là ĐTĐ bắt đầu ở người lớn hay ĐTĐ không phụ thuộc Insulin). Cơ thể quá nhiều mỡ sẽ đề kháng với insulin – một hormone giúp duy trì nồng độ đường máu (glucose) ở mức hằng định. Khi Insulin bị đề kháng, nồng độ glucose trong máu tăng lên (tăng đường huyết) – một tình trạng không tốt cho sức khỏe của bạn, trong khi các tế bào cơ thể không thể sử dụng được đường để hoạt động.

Bất thường mỡ trong máu. Chế độ ăn quá nhiều mỡ bão hòa – như thịt đỏ, thức ăn chiên rán nhiều,... - có thể gây béo phì cũng như tăng nồng độ mỡ “xấu” LDL-cholesterol (Low Density Lipoprotein – Cholesterol) đồng thời làm giảm mỡ “tốt” HDL-cholesterol (High Density Lipoprotein). Béo phì cũng có liên quan đến tăng nồng độ Triglyceride (TG). TG là dạng mỡ phổ biến nhất trong thực phẩm và trong cơ thể con người. Bất thường mỡ trong máu có thể góp phần gây xơ vữa động mạch – một tình trạng bệnh lý hình thành do sự lắng đọng của mỡ lên thành động mạch trong cơ thể. Người bị xơ vữa động mạch có nguy cao bị bệnh mạch vành (đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,...) và đột quỵ.

Bệnh mạch vành. Đây là một dạng của bệnh tim mạch, do hậu quả của sự lắng đọng mỡ trên thành động mạch vành – động mạch mạch cung cấp máu nuôi sống cho tim. Sự lắng đọng mỡ này dần dần làm cho lòng mạch vành hẹp lại, làm giảm lượng máu nuôi tim, có thể gây ra cơn đau thắt ngực. Nếu tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành hoặc một nhánh của động mạch vành có thể gây nhồi máu cơ tim.

Đột quỵ. Ơû người béo phì, mỡ không chỉ lắng đọng trên thành động mạch vành mà còn ở nhiều động mạch khác, trong đó có mạch não. Huyết khối hình thành tại chỗ hẹp trong lòng động mạch có thể gây tắc nghẽn dòng chảy đến một vùng nào đó của não, gây ra đột quỵ.

Viêm xương khớp mạn tính. Đa số ảnh hưởng đến khớp gối, hông và phần thấp ở lưng. Sự tăng thể trọng quá mức làm tăng áp lực cơ thể trên các khớp và các mặt sụn của các khớp này, gây đau và cứng khớp.

Ngưng thở lúc ngủ. Tình trạng nặng nề này xảy ra khi một người bị ngưng thở từng quãng ngắn lúc ngủ và ngáy lớn. Phần trên của khí đạo bị tắc nghẽn trong lúc ngủ làm bệnh nhân bị thức giấc thường xuyên vào ban đêm, do vậy ban ngày họ hay ngủ gà ngủ gật, lơ mơ mất tập trung. Hầu hết bệnh nhân ngưng thở lúc ngủ đều bị quá cân, có thể do cổ lớn mà đường thở lại hẹp góp phần vào.

Ung thư. Nhiều loại ung thư có liên quan với thừa cân và bệnh béo phì. Ơû phụ nữ có ung thư vú, tử cung, đại tràng và túi mật. Nam giới thừa cân có nguy cơ cao ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt.

Béo phì còn góp phần gây sỏi mật, các tinh thể cholesterol lắng đọng ở túi mật; và bệnh gout, một rối loạn của khớp, đặc biệt là các khớp ngón tay, ngón chân.

Điều trị

Một tin tức khả quan là, mặc dù giảm cân chỉ với một con số rất khiêm tốn, bạn cũng có thể giảm được huyết áp, giảm nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, cải thiện các triệu chứng viêm xương khớp mạn tính và ngưng thở lúc ngủ, giảm nguy cơ ung thư.

Số cân mà bạn cần giảm để cải thiện sức khỏe thấp hơn nhiều so với số cân mà bạn cảm thấy cần giảm để gầy đi bớt. Do đó mục tiêu trước hết cho người béo phì là giảm và duy trì cân nặng đến mức an toàn cho sức khỏe.

Thông thường bạn cần giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể. Ví dụ bạn cân nặng 90kg, bị béo phì tính theo chuẩn BMI, bạn cần phải giảm khoảng 4.5 – 9 kg. Cũng không phải bạn phải ngưng ở mức này, đó chỉ là khởi đầu, bạn cần phải giảm cân liên tục, chậm rãi nhưng chắc chắn, đều đặn 0.5 – 1kg mỗi tuần, theo một phương pháp giảm cân an toàn nhất cho tình hình sức khỏe hiện tại của bạn.

Nhiều trường hợp chỉ cần giảm cân bằng ăn kiêng, tập thể dục và thay đổi thói quen. Các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc, phẫu thuật.

Các thay đổi trong chế độ ăn.

Một cách hữu hiệu để giảm cân là giảm nhập calories.

Lượng calo bạn cần duy trì mỗi ngày phụ thuộc nhiều yếu tố, gồm có tuổi, mức độ hoạt động. Bạn cần được bác sĩ hướng dẫn cụ thể mức calo cần giảm, chế độ dinh dưỡng phù hợp và những chương trình giảm cân đáng tin cậy.

Chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt làm cắt giảm quá nhiều calo cùng nhiều dưỡng chất khác có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, như thiếu hụt vitamin. Càng không nên nhịn ăn. Phần lớn trọng lượng giảm xuống là từ nước, nếu ăn kiêng khắc nghiệt kéo dài sẽ gây mất nước, bất lợi cho cơ thể.

Chế độ ăn lỏng rất ít calo có thể phù hợp cho một số người béo phì nặng. Chế độ này chủ yếu là dịch lỏng, chỉ cung cấp khoảng 800 calo/ngày (trong khi một người trưởng thành bình thường tiêu thụ khoảng 2000 calo/ngày). Tuy nhiên chế độ này không thể áp dụng lâu dài.

Sau đây là một số đề nghị tổng hợp về chế độ ăn:

  • Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Gồm: rau xanh, trái cây, lúa gạo, đạm từ đậu, cá, các sản phẩm bơ sữa có hàm lượng béo thấp, thịt nạc. Dùng nhiều thực phẩm loại này vừa làm tăng sự ngon miệng vừa duy trì cân nặng hợp lý cho cơ thể.
  • Giảm béo. Mỡ cung cấp năng lượng nhiều gấp đôi so với đường và đam (nếu cùng trong lượng), cho nên giảm béo trong khẩu phần ăn là một phương pháp quan trọng để giảm calo. Các thức ăn nhiều mỡ gồm hầu hết các thức ăn nhanh (chế biến), bánh quy, thịt đỏ, sản phẩm từ bơ sữa, bơ thực vật và động vật, dầu, xà lách trộn dầu,...
  • Lựa chọn carbonhydrate phù hợp. Đa số các chuyên gia về dinh dưỡng đều công nhận rằng khoảng 55 – 60% calo trong tổng năng lượng nhập vào cơ thể hàng ngày cần lấy từ carbonhydrate như đường, các chất ngọt khác, nước trái cây, gạo, tinh bột và các chế phẩm như bánh mì, trái cây tươi và rau xanh.
  • Tính lượng calo. Cần xem trên nhãn của các thực phẩm chế biến. Các thực phẩm dạng này thường dấu đi thành phần dầu mỡ và đường. Cắt giảm việc dùng các thức uống ngọt.
  • “Năng lượng tích”. Bạn nên làm quen và thường xuyên nghĩ về “năng lượng tích”, tức là lượng calo mà mỗi đơn vị thể tích thực phẩm cung cấp. Với các thức ăn nhiều mỡ bạn không thể ăn nhiều, trong khi ngược lại bạn có thể ăn rất nhiều rau diếp mà lượng calo thu vào không bao nhiêu. Một muỗng bơ cho lượng calo tương đương 10 chén rau diếp. Bạn nên chọn 10 chén rau diếp, nó sẽ cho bạn cảm giác no hơn đồng thời năng lượng thấp hơn mà còn có nhiều vitamin và khoáng chất nữa.
  • Giảm ngọt. Hạn chế kẹo, bánh ngọt, bánh quy, bánh nướng, bánh rán và các loại tráng miệng ngọt khác (không phải trái cây). Có thể thay thế bằng yagurt ít béo, các loại bánh tráng miệng ít béo và ít ngọt khác,...

Các chương trình giảm cân

Có thể là việc ăn kiêng và tuân thủ chế độ giảm cân theo chế độ ăn như trên là khó khăn và mất nhiều thời gian cho bạn trong việc lựa chọn và chuần bị thức ăn. Hiện có nhiều trung tâm giảm cân có thể giúp bạn giảm bớt các rắc rối này. Tuy nhiên cần nhớ là chi phí có thể khá cao. Tại đây họ có thể áp dụng các chương trình giảm cân của các nhà dinh dưỡng học danh tiếng trên thế giới như:

  • Chương trình Jenny Craig
  • Chương trình Nutri/System

Tăng cường các hoạt động thể lực.

Một cách khác để làm giảm cân hiệu quả là tăng cường các hoạt động thể lực. Điều này không có nghĩa là bạn phải làm mất nhiều mồ hôi mỗi ngày. Vài phút bỏ ra để đi bộ hay leo lên cầu thang là đã có lợi cho chương trình giảm cân của bạn. Một số cách rèn luyện thân thể đơn giản như:

  • Đi bộ lên cầu thang – không đi thang máy.
  • Đậu xe ở xa nơi làm việc.
  • Đi làm hoặc đi các cửa hiệu bằng xe đạp hoặc đi bộ.
  • Chơi đùa với con cái thay vì xem chúng chơi.
  • Đi bộ với gia đình sau bữa ăn tối.
  • Làm những việc lặt vặt cuối tuần như một cách hoạt động thân thể – cắt cỏ, lau xe thường xuyên.
  • Mua một chiếc xe đạp thể dục và đạp khi xem tivi hay khi điện thoại,...

Ngay cả sự bồn chồn sốt ruột cũng làm tiêu tốn một lượng calo. Một nghiên cứu cho thấy những người hay bồn chồn có thể đốt cháy hàng trăm calo dư thừa.

Bạn cần có kế hoạch cụ thể cho những bài rèn luyện thân thể để giảm cân của mình. Điều quan trọng là sự tập luyện thường xuyên và đều đặn, như tập e-ro-bic (aerobic), đi bộ,...

Mục tiêu cuối cùng là tập aerobic 30 phút, tốt nhất là mỗi ngày. Nhưng nên bắt đầu từ từ tăng dần.

Thay đổi lối sống

Để giảm cân và duy trì không để tăng cân trở lại, bạn cần phải thay đổi lối sống của mình cho phù hợp.

Thay đổ lối sống bao hàm cả việc thay đổi thực phẩm và tăng cường tập luyện mỗi ngày. Có nghĩa là bao gồm cả những vấn đề liên quan đến sự ăn uống và rèn luyện thân thể, như thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hoạt động. Sau đây là một số điều nên lưu ý:

  • Hãy tự thân vận động. Không ai có thể làm bạn giảm cân ngoài chính bản thân bạn. Thật ra, những áp lực từ bên ngoài – thường từ những người thân – có lẽ chỉ làm cho tình hình xấu hơn. Nỗ lực giảm cân để làm vừa ý những người xung quanh đôi khi làm nguy hại đến sức khỏe của bản thân mình.
  • Cần có một kế hoạch. Bạn nên viết kế hoạch giảm cân từ từ tăng dần theo từng bước ra giấy. Chọn ngày bắt đầu, thời gian tập thể dục trong ngày, tập trong bao lâu, uống bao nhiêu nước, dùng bao nhiêu trái cây, rau xanh, thịt,...
  • Đặt mục tiêu từng bước. Bạn cần luôn ghi nhớ rằng việc giảm cân cần thời gian lâu dài và phải qua nhiều giai đoạn. Cho nên bạn cần đặt mục tiêu dần dần, không nên thực hiện giảm cân quá vội vàng. Mọi sự nỗ lực thúc đẩy nhanh tiến trình giảm cân đều có thể gây tổn hại cho cơ thể. Tránh ăn nhiều. Chỉ ăn khi nào thực sự thấy đói và không nhất thiết phải ăn đúng giờ.
  • Giữ gìn hồ sơ bệnh án cẩn thận, khi cần thiết sẽ giúp ích cho bác sĩ của bạn.

Thuốc giảm cân

Thuốc giảm cân được dùng không phải vì mục đích thẩm mỹ, mà chỉ được chỉ định cho những người có BMI lớn hơn hoặc bằng 30, hoặc BMI lớn hơn 27 có kèm các vấn đề sức khỏe mà phải có kế hoạch giảm cân mới cải thiện.

Có hai loại thuốc giảm cân thường được sử dụng:

  • Sibutramin (Meridia): thay đổi chuyển hóa hóa học từ não bộ, làm giảm cân nhanh hơn là khi sử dụng các phương pháp trên một mình.
  • Orlistat (Xenical). Làm ức chế sự hấp thu mỡ ở ruột.

Cần tham vấn ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng các loại thuốc giảm cân này.

Các sản phẩm bán tự do tại nhà thuốc

  • Ephedrine (như Metabolite, MetaboMax). Có tác dụng ức chế sự thèm ăn của bạn. Tuy nhiên nó có nhiều tác dụng không mong muốn như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, căng thẳng, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hôn mê... và thậm chí tử vong.
  • Chistosan. Đây là một dưỡng chất bổ sung làm từ chitin trong vỏ tôm, cua hay những động vật tương tự. Chistosan không được tiêu hóa và đi suốt dọc đường ruột mà không tạo ra năng lượng, đồng thời cấu trúc tự nhiên làm nó gắn kết với mỡ trong thức ăn của bạn, kết quả làm giảm mỡ hiệu quả.

Ngoài ra còn nhiều sản phẩm OTC khác như:

  • Hydroxycitric acid.
  • 5-hydroxytryptophan (5-HTP)
  • Thảo dược nhuận trường và lợi tiểu.
  • Caffeine
  • Các thuốc ức chế sự thèm ăn
  • Pyruvate

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm cân cần phải hết sức thận trọng và bạn nhất thiết phải tham vấn ý kiến của Bác sĩ trước khi sử dụng.

Phẫu thuật để giảm cân

Nếu bạn tiết chế ăn uống phối hợp tập luyện mà vẫn còn béo phì nặng (BMI trên 35) kèm các bệnh lý và rối loạn liên quan, thì phẫu thuật để giảm cân là một biện pháp hữu hiệu kế tiếp. Chủ yếu gồm hai loại:

  • Vòng thắt bao tử. Phẫu thuật để đặt một túi nhỏ hay một vòng thắt xung quanh phần đỉnh của dạ dày (tâm vị), làm chậm trễ và giảm lượng thức ăn từ thực quản đi xuống. Sau phẫu thuật, bạn sẽ chỉ ăn mỗi lần một ít thức ăn mà không cảm thấy khó chịu hay buồn nôn.
  • Vòng thắt bao tử + nối tắt ruột non. Phẫu thuật này cũng tạo một vòng thắt xung quanh tâm vị như trên, đồng thời tạo một đường dẫn tắt khiến thức ăn từ dạ dày đi xuống thoát một phần qua khỏi vùng ruột non. Ruột non là nơi mà phần lớn calori từ thức ăn được hấp thu. Phẫu thuật này có hai ích lợi: làm giảm lượng thức ăn đưa vào, đồng thời làm giảm lượng calori được hấp thu.

Phẫu thuật giảm cân có thể mang lại thành công rất lớn, nhiều người giảm đến 50% cân nặng trong vòng 1-2 năm đầu sau phẫu thuật. Tuy nhiên nó cũng có nhiều tác dụng phụ: giảm cân quá nhanh có thể làm bệnh nhân suy nhược, khô da, rụng tóc tạm thời. Sáu tháng đầu sau phẫu thuật, nếu bạn chưa quen điều tiết bữa ăn (ăn nhiều, nhanh,...) sẽ có thể bị buồn nôn, gọi là hội chứng dumping.

Do vậy, mặc dù giảm cân rất hiệu quả, nhưng phẫu thuật không phải là một phương pháp tuyệt diệu hay một phép mầu để bạn trông chờ vào đó. Tập luyện và thực hiện một chế độ ăn hợp lý là luôn luôn cần thiết để phối hợp với các biện pháp khác và để giữ cho thân hình của bạn cân đối.

Bài liên quan

Giảm béo
Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper