Bác sĩ Trưởng khoa Phan Trọng Nhơn hướng dẫn chúng tôi thăm bệnh giữa những lối đi chật hẹp.
Tận dụng cả hành lang làm phòng điều trị cho bệnh nhân. Giường nọ đặt sát cạnh giường kia là cảnh thường thấy ở Khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK tỉnh Đắk Lắk.
Mật độ người ốm lẫn người thăm nuôi chen chúc quá đông nên trong những ngày mùa khô nóng nực, mỗi khi điện lưới cúp vì thiếu nguồn thì những phòng bệnh nồng mùi thuốc sát trùng nơi đây càng ngột ngạt khó thở.
Đối với bệnh nhân bỏng, chắc chắn không gian chật chội thiếu dưỡng khí này càng khiến họ thêm bứt rứt khó chịu bởi các vết thương luôn dày vò đau đớn.
Nhiều bệnh nhân bỏng nhập viện thời gian gần đây bị nạn do 2 kiểu bất cẩn thường gặp : Bỏng do xăng dầu hoặc bỏng do ngã vào những đống vỏ trấu,vỏ cà phê đang cháy .
Bỏng do xăng dầu thường gặp ở người lớn. Tháng 2, tháng 3/2008, lần đầu tiên Khoa trực tiếp điều trị cho một bệnh nhân bỏng tới gần 80% cơ thể. Đó là Y Mriat Byă sinh năm 1980, người dân tộc Êđê ở xã Ea Yông huyện Krông Păk.
Quá tải khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK Đăk LăkĐi rẫy về đang mệt, Y Mriat lại phải tự mình nhóm bếp nấu cơm, loay hoay củi ướt không cháy. Sốt ruột, Y Mriat xách can dầu trong góc nhà chế vô bếp,không ngờ hấp tấp vơ nhầm can xăng.
Lửa lập tức phủ kín toàn thân Y Mriat. Vài tiếng sau nhập viện, từ đầu đến chân Y Mriat nứt nẻ sưng phù, đường hô hấp cũng bỏng nặng phải cho thở liên tục bằng ôxy.
Trang thiết bị còn hạn chế, bệnh viện đề nghị chuyển Y Mriat lên tuyến trên nhưng như nhiều gia đình bệnh nhân nghèo khác, thân nhân Y Mriat khóc lóc năn nỉ bệnh viện ĐKĐL cố gắng cứu giùm chứ họ không đủ tiền để đi thăm nuôi chăm sóc Y Mriat xa tận thành phố Hồ Chí Minh.
Thương bệnh nhân nên liều nhận, các bác sĩ phải tích cực hồi sức, giảm đau, tiêm thuốc chống phù nề, liên tục truyền nước và dung dịch điện giải để Y Mriat không bị khô máu vì mất nước, và phối hợp điều trị cùng Khoa Tai- Mũi- Họng.
Phần nhờ điều trị đúng hướng, phần nhờ thể trạng của bệnh nhân vốn khỏe mạnh nên Y Mriat dần vượt qua giai đoạn hiểm nghèo, sau hơn một tháng nằm viện đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy da đùi cấy ghép thay lớp da đã cháy hỏng ở mặt, cổ, lưng và tay.
Ngày Y Mriat xuất viện, không chỉ gia đình làng buôn của anh phấn khởi mà cán bộ nhân viên bệnh viện cũng hân hoan. Vui mừng nhất có lẽ là bác sĩ chuyên khoa Bỏng Trần Minh Mẫn, người trực tiếp điều trị thành công cho ca bệnh hy hữu này.
Bỏng vì tro trấu thường rơi vào trẻ em. Mấy tháng mùa khô các làng quê Tây Nguyên thường hay tỏa khói đốt trấu, đốt vỏ cà phê. Trẻ em vô tư chạy nhảy quanh đống lửa đã không ít trường hợp vấp ngã, rơi xuống hố tro trấu đang âm ỉ cháy dẫn đến bỏng nặng, có cháu bị hoại tử rụng ngón hoặc phải tháo bỏ cả khớp chân tay.
Bác sĩ Mẫn đưa tôi đến bên giường bệnh nhi Võ Thanh Hải. Bé Hải sinh 2005, cư trú ở thôn 4 xã Ea Pal, huyện Ea Kar , bỏng 15% trong đó có 6% bỏng nặng độ 3 vì rơi cả 2 chân xuông hố trấu đang âm ỉ cháy. Cuối tuần giữa tháng 4/2008 này cháu sẽ phải chịu đựng cuộc phẫu thuật đau đớn để ghép da và cắt bỏ mấy ngón chân chết.
Cùng được ghép da với Hải là bé Phạm Quyền sinh năm 2005 ở thôn 1 xã Ea Khal huyện Ea H’leo, bỏng vỏ cà phê 13%, trong đó 4% bỏng nặng độ 3.
Cháu Nguyễn An Vinh sinh 2004 ở phường Khánh Xuân TP Buôn Ma Thuột, giẫm cả 2 chân vào đống vỏ cà phê đang cháy, phỏng hơn 10% mới được xuất viện sáng ngày 14/4/2008 thì đã có bé Tạ Công Minh sinh năm 2004 ở huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông thế chỗ. Minh giẫm chân vào tro trấu, bỏng 2 chân tuy tỉ lệ nhẹ hơn nhưng vẫn đau nhức lắm nên kêu khóc suốt ngày đêm...
Bác sĩ Trần Minh Mẫn cho biết: Trong điều kiện sống của dân quê hiện nay, cách tốt nhất để sơ cứu ban đầu cho người bị bỏng chỉ đơn giản nên đặt vết thương dưới vòi nước lạnh chừng 15-20 phút, sau đó giữ vệ sinh vết bỏng, đừng đắp cây lá hoặc các thứ dung dịch linh tinh, đưa ngay nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất.
Chú ý đề phòng đừng để tai nạn xảy ra. Ví dụ xăng dầu không trữ nhiều trong nhà, đặt đúng nơi, ghi rõ bên ngoài để tránh nhầm lẫn. Không nên đốt trấu hoặc vỏ cà phê ở những chỗ trẻ em thường chơi đùa, lui tới...
Hoàng Thiên Nga
Orginal Source Mùa khô, cẩn thận trước nguy cơ... bỏng