Có thể trì hoãn su lão hóa?
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của sự sống đã được Đạo Phật nói đến từ lâu. Dù không ai muốn nhưng tuổi già vẫn cứ đến. Những truyền thuyết về các phương thuốc cải lão hoàn đồng đã làm khuynh đảo nhiều triều đại, bao số phận chịu cảnh oan khiên. Y học hiện đại tìm ra quy luật của sự lão hóa và tấn công vào nó với hy vọng kéo dài những năm tháng tuổi xuân hạnh phúc cho con người. Vì sao chúng ta bị già đi? Tốc độ hóa già của cơ thể chủ yếu xác định bằng kiểu gen, chính vì vậy các nhà sinh học coi sự hóa già là một quá trình được định sẵn (các tế bào chết theo chương trình). Bên cạnh đó đặc điểm lối sống (hoạt động thể lực nặng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thừa calo) và đặc điểm của môi trường sống (ảnh hưởng của các chất phóng xạ các chất độc hại trong môi trường nước không khí, trong thức ăn hằng ngày, khói thuốc, tia cực tím, tia tử ngoại) có thể là những yếu tố tăng tốc quá trình hóa già của cơ thể. Các chất này gây ra những biến đổi cấu trúc màng tế bào, nhân tế bào phát triển các biến dị, tổn thương tế bào và hủy hoại cấu trúc tế bào, đột biến trong các tế bào. Các đột biến có hại này sẽ tích tụ dần trong tế bào cho đến khi tế bào ngừng hoạt động và chết. Các tế bào còn có thể bị tổn thương bởi chính sự tấn công của hệ thống miễn dịch trong cơ thể hay sự mất cân bằng hormon sterr-cortisol và giảm hoạt tính của các hormon sinh dục testoterol. Chống lại tuổi già bằng cách nào? Tăng cường các thức ăn có chứa các chất có tác dụng chống ôxy hóa như vitamin E, C, beta-caroten (tiền vitamin A), selen, Mg... Các chất này không được tổng hợp trong cơ thể mà phải cung cấp qua đường thức ăn. Các chất chống ôxy hóa tự nhiên (antioxydant) là các chất làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tổn thương tế bào của cơ thể bởi quá trình ôxy hóa. Các chất chống ôxy hóa còn có tác dụng sửa chữa (phục hồi) các tế bào bị tổn thương và tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm các bệnh mạn tính như tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh ung thư và kìm hãm tốc độ già hóa cơ thể. Vitamin A (retiol) cần thiết để bảo đảm cho sự phát triển bình thường của thị giác, chiều cao, tình trạng của da và niêm mạc (miệng, mũi...). Vitamin A có tác dụng chống lão hóa nên thường được dùng kết hợp với vitamin C, E để phòng ngừa các bệnh: xơ vữa động mạch, bệnh thiếu máu cơ tim... Vitamin A có trong mỡ cá, gan các sản phẩm sữa, thịt, các quả màu đỏ. Vitamin E (tocopherol) có tác dụng chống lão hóa với tác dụng củng cố thành phần và chức năng của màng tế bào, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, phát triển cơ và các tổ chức cơ khác nhau, ngăn chặn sự phát triển yếu cơ và mệt mỏi cơ. Vitamin E liên quan chặt chẽ với chức năng của hệ thống nội tiết, đặc biệt là tuyến sinh dục và các tế bào thần kinh. Vitamin E có chứa trong các thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Có nhiều trong dầu thực vật, các loại mầm như giá đỗ, mầm thóc. Ngoài ra, vitamin E còn có trong bánh mỳ, trứng, sữa, thịt, cá. Vitamin C cần cho cơ thể với số lượng tương đối nhiều. Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình sống của cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa chất, giảm cholesterol máu, hoạt hóa các men và hormon khác nhau, nâng cao khả năng phòng bệnh, chống lão hóa. Vitamin C có nhiều trong hành tươi, cải bắp, rau ngót, tỏi, chanh, ớt ngọt, xúp lơ, cà chua, cần tây, rau thơm, cam, chanh, táo... Selen là chất cần thiết ở liều rất nhỏ cho cơ thể, tham gia vào thành phần của men chống lão hóa. Khi lượng selen trong cơ thể quá thấp sẽ bị mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đục thủy tinh thể và lão hóa sớm. Cơ thể dễ bị nhiễm bệnh do suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức. Việc bổ sung selen kết hợp với vitamin E giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh thấp khớp. Selen có nhiều trong tỏi ta, tôm đồng, gạo tẻ, ngô, thịt lợn nạc, lòng đỏ trứng gà, củ cải trắng, cải bắp. Kẽm (Zn) có nhiều trong sò, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc, đậu Hà Lan, rau ngót, tỏi ta. Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản tinh trùng ở đàn ông. Magiê có mặt trong gần 300 các men khác nhau điều hòa các quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo glycogen của cơ và gan từ glucose máu. Magiê còn tham gia vào sự phân hủy glucose, axit béo và các axit amin trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp lipid và protein và bảo đảm tính bền vững của dẫn truyền thần kinh và sự co cơ. Đặc biệt magiê có mặt trong thành phần của men chống lão hóa. Megiê có mặt trong nhiều loại thức ăn khác nhau như thịt nạc, sữa, kê, đậu tương, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm, các loại rau lá màu sẫm như rau ngót, cải xanh, mồng tơi, trong một số trái cây như chuối, mơ khô, bơ... Gần đây, người ta phát hiện ra một số chất có tính chất chống lão hóa có trong chè xanh, nho đỏ, táo.TS. Đang Quoc Bao