Đau lưng

Một buổi sáng nào đó, sau khi đánh răng, bạn làm rớt bàn chải đánh răng dưới đất. Bạn cúi xuống nhặt lên... chợt nghe nhói ở xương sống, ngang thắt lưng.

Hoặc việc làm của bạn đòi hỏi phải cúi xuống nâng một vật gì nặng thường xuyên... hành động này thường bắt cột xương sống của bạn phải vặn vẹo, đẩy, cong, gập... nhiều lúc ở những tư thế hết sức nguy hiểm. Những việc làm như vậy dần dà tạo ra bệnh mỏi lưng, đau lưng. Cứ mỗi 5 người, có hết 4 người đã từng biết nỗi đau khổ của chứng mỏi lưng, đau lưng trong cuộc đời họ.

Các bác sĩ chuyên khoa chia bệnh đau lưng làm 2 loại: loại tức thì và loại lâu ngày. Loại tức thì (gọi nôm na là chứng "cụp xương sống") thường xảy ra do một lúc nào đó, bạn cúi xuống cố nâng một vật nặng lên. Nó có thể làm bạn đau đớn trong nhiều ngày. Loại lâu ngày thường bắt nguồn từ công việc hằng ngày của bạn. Khi làm những nghề đòi hỏi phải ngồi lâu trong một tư thế như thợ may, thư ký văn phòng, tài xế xe hàng..., bạn thường bị đau lưng.

Đau lưng, mỏi lưng là một chứng khó chữa trị. Tuy nhiên, những mẹo vặt y khoa dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều.

A- Cụp xương sống
Khi bị cụp xương sống, những phương pháp sau đây sẽ làm giảm đau đớn và ngăn chặn những ảnh hưởng tai hại khác.

Nên nằm nhiều
Ở tư thế nằm, xương sống không phải chịu đựng quá nhiều sức nặng, đỡ hại sức khỏe hơn các tư thế ngồi, đứng. Cần hạn chế tối đa việc đứng và ngồi trong 2 ngày đầu tiên sau khi bị cụp xương sống.

Không nên ngồi dậy bằng sức của lưng
Khi đang nằm, có thể bạn cần ra khỏi giường để làm những việc cần thiết. Nên nhớ đừng bao giờ ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa; hành động này bắt lưng bạn phải làm việc nhiều và đau hơn. Hãy lăn về mép giường, ở tư thế sấp, thả chân xuống đất trước. Như vậy, bạn có thể đứng dậy mà không cần phải dùng sức của các bắp thịt ở lưng.

Không nên nằm quá lâu
Người bị cụp xương sống sẽ bớt đau rất nhiều sau khi nằm khoảng 2 ngày. Bạn nên rời khỏi giường ở ngày thứ 3, hoặc cùng lắm là ngày thứ 4 để bắt đầu những cử động nhẹ nhàng. Việc nằm trên giường quá lâu không có lợi cho cơ thể. Bác sĩ David L. nói: "Mọi người thường nghĩ rằng cứ việc nằm tĩnh dưỡng khoảng một tuần lễ là hết cơn đau. Nhưng sự thật không phải như vậy; nếu bạn nằm một tuần, cơ thể bạn phải cần hai tuần nữa mới hồi phục được".
Một thí nghiệm tại Đại học Texas (Mỹ) cho thấy, một người cụp xương sống nằm dưỡng bệnh 2 ngày hoàn toàn có những hồi phục giống hệt như người nằm dưỡng bệnh một tuần. Chỉ có khác là cơ thể người nằm một tuần yếu ớt hơn, và cần thời gian phục hồi lâu hơn.

Đắp nước đá vào chỗ đau
Theo bác sĩ Ronald ở Đại học Mc. Gill (Canada), phương pháp tốt nhất để xoa dịu chứng cụp xương sống là đắp nước đá. Nước đá sẽ làm giảm bớt chỗ sưng và sự căng thẳng của bắp thịt lưng. Nên cho nước đá vào bọc cao su, đắp trong 7-8 phút, kết hợp xoa bóp chỗ đau. Làm thường xuyên trong vòng 1-2 ngày đầu tiên.

Hơ nóng chỗ đau
Sau khi đắp nước đá khoảng 1-2 ngày, bạn nên chuyển qua hơ nóng chỗ đau. Dùng một khăn lông tẩm nước nóng, vắt ráo và đắp vào chỗ đau (nhớ đừng để khăn có nếp nhăn). Nên giữ cho khăn ấm lâu bằng cách nhúng nước nóng thường xuyên. Dùng một vật nặng dằn lên để khăn nóng có thể ép sát vào lưng.
Khi đắp nước đá hoặc hơ nóng, bạn phải ở tư thế nằm sấp, kê một gối phía dưới bụng để giữ cho lưng không bị ưỡn ngược ra phía dưới (có hại cho xương sống).

Cong người làm giãn cột sống
Nằm ngửa trên giường, từ từ đưa đầu gối lên gần chạm ngực, làm nhiều lần, mỗi lần đưa gần ngực hơn một chút. Hành động này làm xương sống giãn ra theo chiều có lợi và giúp bạn có cảm giác thoải mái hơn.

B- Đau lưng, mỏi lưng lâu ngày
Đối với một số người, mỏi lưng là một bệnh kinh niên, hầu như ngày nào cũng bị mỏi lưng. Khi ngồi, khi đứng, khi đi..., chứng mỏi lưng quái ác này luôn làm phiền bạn.
Những phương pháp sau đây có thể làm giảm rõ rệt chứng mỏi lưng kinh niên. Nếu áp dụng triệt để, có thể bạn sẽ hoàn toàn khỏi chứng đau lưng dai dẳng đó.

Giường ngủ
Một miếng nệm quá mềm thật hết sức nguy hại cho lưng bạn; nhất là loại nệm cũ dùng lâu ngày, lò xo ở giữa bị liệt đi và lõm xuống. Khi bạn ngủ trên nệm này, xương sống không thẳng, từ đó sinh ra đau lưng.
Để giải quyết vấn đề này, cách rẻ tiền nhất là lót một miếng ván ép mỏng (plywood) phía dưới nệm (mattress) và bục kê nệm (box-spring) để nệm đừng bị lõm xuống nữa.
Bạn cũng nên mua một nệm mới loại thật cứng và thẳng như miếng ván, độ nhún càng ít càng tốt cho lưng bạn. Ngoài ra, các bác sĩ về lưng công nhận hiệu quả của loại giường nước (weter bed), các loại giường nước kiểu mới sau này (loại không bị dợn sóng) rất tốt cho lưng bạn. Giường nước có tác dụng chia đều áp suất lên lưng, mọi điểm trên lưng đều chịu một sức ép giống nhau.

Tư thế nằm ngủ
Tư thế nằm ngủ cũng góp phần không ít trong việc làm giảm sự đau lưng. Các bác sĩ thường khuyên những bệnh nhân của họ lót một gối dưới cổ, một dưới đầu gối để có thể ngủ trong tư thế nằm ngửa với đầu gối cong lên. Tư thế này làm lưng dán sát xuống giường, giúp cho bệnh mỏi lưng giảm đi.
Việc nằm nghiêng và ôm gối tốt cho lưng bạn.

Dùng aspirin và vitamin B1
Từ lâu, mọi người đều biết công dụng của thuốc aspirin là trị nhức mỏi. Gần đây, người ta còn chế ra các thuốc như ibuprofen hoặc loại aleve; những loại này đều có thể xoa dịu bệnh mỏi lưng.
Thói quen uống 1 viên aspirin mỗi ngày rất tốt, nó giúp bạn tránh được chứng mỏi lưng kinh niên, làm dịu đau nhức khớp xương, giảm nguy cơ bệnh tim. Dĩ nhiên, bạn chỉ nên uống aspiri sau bữa ăn, tránh uống rượu cùng lượt với aspiri vì tác dụng tổng hợp của 2 loại này không tốt cho dạ dày.
Vitamin B1 cũng được công nhận là một phương thuốc trị nhức mỏi rất hay. Việc uống 1-2 viên B1 đều đặn mỗi ngày có thể giúp bạn không còn cảm thấy mỏi lưng, đau lưng nữa. Uống liên tục trong 1-2 tuần sẽ bắt đầu thấy hiệu quả. Việc tiếp tục sau đó để duy trì hiệu quả này.

Tập thể dục
Bộ môn bơi lội rất tốt cho bệnh đau lưng kinh niên. Luyện tập môn Thái cực (T'ai Chi) cũng tốt. Ngoài ra, các động tác thể dục sau đây cũng đem lại hiệu quả khả quan (nếu bạn đang trong thời kỳ chữa trị bệnh đau lưng, nên hỏi bác sĩ trước khi tập):
- Hít bụng: Giống như hít đất, nhưng khi đẩy lên, phần bụng dưới của bạn vẫn tiếp xúc với mặt đất, nghĩa là bạn chỉ dùng tay đẩy nửa thân trên lên xuống mà thôi, không phải cả thân mình như hít đất. Việc thực hiện động tác này, 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 10-20 cái sẽ giúp bắp thịt lưng rắn chắn hơn.
- Ngóc đầu: Nằm ngửa trên mặt đất, hai đầu gối cong lên, hai tay vắt tréo lại đặt vào hai bên vai, dùng sức đưa phần trên của lưng lên khỏi mặt đất, trong khi phần dưới lưng vẫn còn tiếp xúc với mặt đất, giữ tư thế này vài giây, rồi thả ra, trở về tư thế đầu tiên. Tiếp tục làm lần thứ nhì.
- Bơi lội trên bờ: Nằm sấp trên mặt đất, cùng lúc đưa tay phải và chân trái lên khỏi mặt đất, giữ lại một vài giây rồi hạ xuống. Kế đó, tiếp tục làm như vậy với tay trái và chân phải, rồi tay phải và chân trái... Càng làm nhiều lần, tay chân đưa lên càng cao, bạn càng bớt mỏi lưng hơn. Mỗi lần làm động tác này, lưng không bị mỏi trong vài ngày đến một tuần. Nếu bạn làm đều đặn mỗi ngày, chứng mỏi lưng có thể biến mất hẳn.

Đi xe đạp
Cưỡi xe đạp vòng quanh khu phố hoặc ngồi trên xe, đứng yên một chỗ (exercise bike) với xương sống giữ thật thẳng. Nhớ tuyệt đối không bao giờ để cho lưng khom trong lúc đạp xe. Nếu cần, nên đặt một gương soi để nhìn thấy tư thế mình trong lúc ngồi yên trên xe.

Sửa tư thế ngồi
Một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng mỏi lưng, đau lưng chính là tư thế ngồi của bạn; nhất là khi bạn làm những công việc đòi hỏi phải ngồi trong thời gian dài như thư ký, thợ may, thợ móng tay, tài xế...
Lúc nào cũng phải giữ lưng thật phẳng. Tránh tư thế ngồi khom lưng vì nó chắc chắn gây cho bạn chứng mỏi lưng, nhức lưng sau chừng 1 năm làm việc. Nếu bạn làm nghề tài xế, hoặc phải lái xe đường xa đi làm, nệm ghế xe là điều không thể bỏ sót. Bác sĩ Roger M., chuyên gia về bệnh đau lưng tại Mỹ nhận định rằng ghế ngồi của các xe Đức thường không tốt cho lưng, kế đến là xe Pháp, Mỹ, trung bình là xe của Thụy Điển. Tốt cho lưng nhất là xe Nhật.
Bạn có thể nhận thấy ngay điều này nếu từng ngồi qua 2 trong các loại xe kể trên. Thường thì xe Nhật có ghế ôm lấy lưng và có thể điều chỉnh cho lưng ghế gập lên xuống theo ý muốn, gối dựa đầu cũng thường đỡ ngay phần sau cổ người ngồi lái. Với xe Đức và xe Mỹ, nhất là các loại xe chế tạo khoảng năm 1990 trở về trước, người tài xế luôn phải ngồi khom lưng khi lái xe; gối dựa đầu thường ở tư thế quá cao, quá thấp hay quá xa khiến cho cổ phải gượng.
Khi bạn lỡ mua xe Mỹ, Đức hay xe nào khác khiến bạn phải ngồi ở tư thế khòm lưng khi lái, có thể dùng một gối tấn thêm phía sau băng ghế (thấp hơn eo lưng một chút, chỗ giữa eo và mông), sao cho tư thế lưng thẳng khi ngồi lái là được.

Mẹo vặt:
- Dùng vitamin B5: Nếu bạn thường bị nhức mỏi, sưng khớp xương, mỏi lưng, mỏi vai... mà mọi thứ thuốc khác đều chữa không hết, hãy thử dùng vitamin B5.
Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần một viên 100 mg kèm theo một viên B-complex 100 mg (B-100). Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy hết nhức mỏi sau 2-4 tuần uống đều đặn. Tiếp tục uống đều mỗi ngày, bệnh sẽ không trở lại. Theo tài liệu của bác sĩ Mary E., chuyên khoa sinh tố trị liệu tại Mỹ, liều lượng này có hiệu quả rất khả quan trên 75% tổng số bệnh nhân được điều trị.
- Dùng các thuốc khác như dầu cá (cod liver oil), niacin, các sinh tố A, C, E khi bị nhức mỏi.

Bài liên quan

Chứng đau cổ họng
Bệnh cảm
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper